Cuộc đua kịch tính

Trong lúc dòng thông tin chủ đạo về dịch Covid-19 ngập tràn trên các mặt báo của Pháp, tờ Libération vừa qua lại dành trang nhất cho một vấn đề chính trị nội bộ của đất nước hình lục lăng: cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm tới và khả năng chiến thắng của đảng cực hữu Pháp.

Chạy hàng tít lớn như một lời cảnh báo Le Pen ngự trị ở điện Élysée: Mối nguy đang rõ nét (Le Pen là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Tập hợp quốc gia - RN và điện Élysée là Phủ Tổng thống Pháp), tờ Libération đã trích dẫn một nghiên cứu của hiệp hội nghiên cứu Fondation Jean-Jaurès cảnh báo về nguy cơ rất thực tế của việc phe cực hữu chiến thắng vào cuộc bầu cử năm sau.

Cuộc đua kịch tính ảnh 1 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc phát biểu tại Cung điện Elysee ở Paris, Pháp, ngày 17-3-2021. Ảnh: REUTERS

Theo hiệp hội này, có 3 yếu tố dẫn đến nguy cơ nói trên: phản ứng tiêu cực đối với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục điều hành đất nước; sự chệch hướng của phe cánh hữu truyền thống hiện nay và xu thế “tầm thường hóa” đảng cực hữu RN, tức là xem đảng này bình thường như những đảng chính trị khác.

Nhiều khảo sát gần đây cũng cho kết quả về một cuộc đối đầu giữa ông Macron và bà Le Pen. Theo kịch bản của những khảo sát trên, rất nhiều ứng viên của các chính đảng sẽ tham gia đua tranh ở vòng 1 và sẽ chỉ còn lại 2 ứng viên tiềm năng nhất là ông Macron và bà Le Pen, đối đầu nhau ở vòng 2 để giành chiếc ghế ở điện Élysée.

Khi được hỏi liệu bà Le Pen có thể giành chiến thắng chung cuộc, ông Sylvain Crépon, giảng viên cao cấp, chuyên nghiên cứu về cực hữu tại Đại học Tours (Pháp), cho rằng: “Có thể, nhưng khó xảy ra”. Theo ông Crépon, đảng RN có ít đại diện ở địa phương hoặc khu vực, không có nhiều ghế trong Quốc hội, tài chính cũng hạn chế và không có nhiều cử tri. Không ít người dân đã thẳng thừng từ chối bỏ phiếu cho bà Le Pen vì “không muốn chọn lãnh đạo phân biệt chủng tộc và kích động thù hằn”. Vì vậy, khó có khả năng đảng của bà Le Pen có thể giành được đa số phiếu trong Quốc hội và thành lập chính phủ.

Tiếp đến, dù mức ủng hộ Tổng thống Macron đang khá thấp với 37% (theo thăm dò) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với những người tiền nhiệm khi so sánh ở cùng thời kỳ như 29% của ông Nicolas Sarkozy và 17% của ông François Hollande - những vị tổng thống 1 nhiệm kỳ.

Ông Macron hiện phải đối mặt với sức ép lớn từ việc xử lý các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19. Tuy nhiên, không ai có thể biết trước được rằng liệu Tổng thống Pháp có phải hứng chịu “Hiệu ứng Churchill” hay không: người dân mệt mỏi vì dịch Covid-19 muốn thay đổi người lãnh đạo như cách người dân Anh chán nản vì chiến tranh đã làm với Thủ tướng Churchill trong cuộc bầu cử năm 1945. Mọi chuyện có thể thay đổi nếu như Pháp thoát khỏi đại dịch đang tàn phá cả thế giới.

Có thể nói, cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm tới hứa hẹn nhiều căng thẳng, kịch tính và cách đất nước hình lục lăng đối mặt với thách thức mang tên Covid-19 sẽ tác động không nhỏ đến kết quả của cuộc bầu cử này.

Tin cùng chuyên mục