
Ngày 27-6-2005, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1531/VPCP-VX, trả lời công văn số 04-3/CV-BCTXH-2005, ngày 2-3-2005 của Báo SGGP. Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng kế hoạch triển khai và “Hoan nghênh Báo SGGP đã đưa ra phương án lập Danh bạ những anh hùng liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế”.
Đây là một dự án đầy tâm huyết và công sức mà Báo SGGP đã theo đuổi 10 năm qua – từ năm 1994 đến nay
- Những trăn trở và hối thúc

Tập kết hài cốt quân tình nguyện hy sinh tại Campuchia về an táng tại nghĩa trang Đồi Quốc tế (Tây Ninh).
Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã trải qua rất nhiều hy sinh và mất mát. Riêng trong hai cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo đã có hàng trăm ngàn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước cho dân tộc. Nhưng trong số đó cho đến nay đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhiều người vẫn không biết nằm lại nơi đâu trên mảnh đất mà họ đã đổ xương máu để bảo vệ.
Và cũng hàng chục năm qua, hàng ngày, hàng giờ, gia đình, người thân của họ luôn hy vọng kiếm tìm hài cốt hay dù một dấu tích nào của họ để đốt một nén nhang tưởng niệm mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã hết sức nỗ lực tìm kiếm.
Trong tấm bằng Tổ quốc ghi công thường chỉ vắn tắt: Hy sinh ở mặt trận phía Nam và trên mộ bia của nhiều người đã hy sinh ta chỉ đọc được dòng chữ: Liệt sĩ – tên: Vô danh. Phải làm gì để những ngôi mộ liệt sĩ không vô danh, vô chủ, không lạnh lẽo khói nhang? Làm gì để cha mẹ tìm thấy con, anh chị tìm thấy em, vợ tìm được chồng… mà chăm nom phần mộ?! Đã từ rất nhiều năm Báo SGGP vẫn trăn trở hướng tới việc xem xét nghiên cứu xây dựng một cuốn biên niên sử mang tên “Danh bạ những anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế”.
- 10 năm đeo đuổi và chuẩn bị
Năm 1994, sau nhiều lần trao đổi, kế hoạch phác thảo Danh bạ đã hình thành. Ngày 20-7, Tổng Biên tập báo SGGP lúc đó là Vũ Tuất Việt đã bút phê: “Tôi thấy việc này rất tốt, báo ta “nòng cốt” làm được thì quý lắm, ý nghĩa to. Nhưng đây cũng là việc rất lớn, phức tạp, đòi hỏi tính khoa học nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao, tổ chức tỉ mỉ, phối hợp chặt chẽ, không để xảy ra sai sót… Báo ta là người khởi xướng, phải làm nòng cốt, tự mình đưa ra kế hoạch tỉ mỉ, dự đoán và xử lý diễn biến của công việc. Về các cơ quan tham gia Ban tổ chức, nhất thiết phải có Bộ Lao động - Thương binh Xã hội là cơ quan có thẩm quyền Nhà nước về việc này…”.
Quả là kế hoạch quá lớn, chỉ sơ phác nếu mỗi liệt sĩ ghi 2-3 dòng thì bộ danh bạ cũng đã lên tới 10 tập, mỗi tập 1.000 trang (khổ A4), với chi phí ước gần chục tỷ đồng, và phải sưu tập, biên soạn từ 4 đến 5 năm mới xong. Nhưng chủ trương, định hướng đã có, cứ thế tiến tới, vừa tìm nguồn kinh phí, vừa tìm đơn vị hỗ trợ, người cố vấn… Rất mừng, việc nghĩa ai cũng sẵn lòng. Mới thử thăm dò hàng chục doanh nghiệp thành phố đã lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ.
Đại tá Hà Văn Lâu, Hội Cựu chiến binh giúp chỉnh sửa tên đề án cho hợp tình hình chính trị thời sự và bổ sung cho hoàn chỉnh kế hoạch. Các nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai… khi được hỏi đều tình nguyện cung cấp danh sách liệt sĩ, vẽ sơ đồ nghĩa trang cho Ban tổ chức dự án. Báo Quân đội Nhân dân sẵn sàng phối hợp tác chiến… và đến năm 2000 thì bản kế hoạch được hoàn chỉnh, nhưng do nhiều yếu tố khách quan mà mãi tới 2-3-2005, “Danh bạ những anh hùng liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế” mới được chuyển tới Văn phòng Thủ tướng Chính phủ.
- Không chỉ là bảng vàng Tổ quốc ghi công
Danh bạ này được xem như một bảng vàng Tổ quốc ghi công những người con đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Và nó cũng như một chứng tích nhắc nhở với nhân loại về một phần khúc tráng ca bi hùng của những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Một điều cũng rất quan trọng là cuốn sách sẽ giúp chỉ rõ chính xác phần mộ của từng liệt sĩ nằm nơi đâu, giúp thân nhân họ dễ kiếm tìm thăm viếng, các địa phương, ngành hữu quan dễ nắm bắt quản lý.
Có lẽ không nơi nào trên trái đất này lại nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Việt Nam. Đi suốt từ Bắc vào Nam, qua các tỉnh thành, nơi nào cũng có. Và giữa hàng hàng lớp lớp mộ chí của những con người ở khắp mọi vùng đất Việt nếu không có hướng dẫn ai biết được anh hùng liệt sĩ nổi tiếng cả thế giới, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi lại nằm trong một nghĩa trang dân sự? Ai biết Trừ Văn Thố, một trong 5 anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai của thế giới, đang yên nghỉ cùng đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương?…
Theo dự án, Danh bạ được chia làm 3 phần. Phần 1: Danh sách các anh hùng liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Phần 2: Danh sách các anh hùng liệt sĩ an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ, hoặc còn nằm riêng ở nơi này, nơi khác. Phần 3: Những anh hùng liệt sĩ chưa tìm được nơi chôn cất (Do địa phương, gia đình, người biết tin thông báo về Ban quản lý dự án).
Báo SGGP coi dự án không chỉ là một việc làm đền ơn đáp nghĩa, là trách nhiệm, mà còn phải là một cuộc vận động rất lớn, rất sâu rộng trong toàn xã hội. Đây là một công việc rất lớn, một mình Báo SGGP không gánh vác nổi. Chúng tôi rất mong được nhiều người, nhiều ban ngành, đoàn thể và địa phương chung tay góp sức để việc nghĩa tình của chúng ta được vẹn tròn, tốt đẹp.
Dự án dự kiến sẽ triển khai vào 2-9-2005 và hoàn thành vào 2-9-2010, đúng vào những dịp kỷ niệm 60 năm và 65 năm Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
NGHIÊM MINH