Cuộc sống cần nhiều hơn những món quà

“Sáng nay mẹ cho con 10.000 đồng tiêu vặt, con tính mua bộ thẻ bài con rất thích, nhưng con suy nghĩ rất lâu và cuối cùng quyết định mua quà cho mẹ”, lời chia sẻ trên trang cá nhân của chị Hồng Ngọc (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) kèm món quà nho nhỏ từ cậu con trai khiến ai cũng thấy vui. Hơn thế, cậu con trai còn giành cả phần rửa chén bát giúp mẹ.
Các bạn nhỏ vẽ tranh tặng mẹ. Ảnh: NGÂN HÀ
Các bạn nhỏ vẽ tranh tặng mẹ. Ảnh: NGÂN HÀ

1. Những dịp đặc biệt như 8-3, 20-10, 14-2, ngày sinh nhật, hay các ngày kỷ niệm trong gia đình… luôn là thời điểm lý tưởng để người ta tặng quà. Hiển nhiên, sẽ có người nói rằng, nếu muốn tặng quà, hay dành sự quan tâm đến những người mình yêu thương đâu cần phải chờ đến dịp nào đó. Dẫu biết đôi khi việc tặng quà “theo trào lưu”, như cách nói của nhiều người là chuyện hình thức, nhưng nếu thiếu, vẫn cứ thấy có chút gì đó hụt hẫng. Đâu phải chỉ con trẻ, người lớn cũng háo hức được nhận quà.

Dịp kỷ niệm 15 năm ngày cưới, chị Diệu Linh (ngụ quận 3, TPHCM) khoe chiếc nhẫn với viên đá lấp lánh trên tay. Chị kể, đó là món quà mình từng mơ ước 15 năm về trước. Thời điểm đó, hai vợ chồng còn khó khăn nên làm gì có nhẫn cầu hôn. Bẵng đi từng đó thời gian, chồng chị vẫn nhớ và dành tặng điều bất ngờ này cho vợ. “Món quà còn quý hơn, bởi tôi biết chồng mình vẫn còn nhớ để tặng”, chị Diệu Linh chia sẻ.

Khi xã hội càng phát triển, người ta càng có nhiều lý do để tặng quà, điều mà trước đây nó còn là xa xỉ, hoặc có khi còn bị cho là phù phiếm. Trên mạng xã hội hiện nay không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều ông bố, bà mẹ ở các vùng quê khi đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy mới biết thế nào là sinh nhật. Cũng có bánh kem, hoa, những món quà và sự sum vầy của con cháu. Hay những dịp như 8-3, 20-10, các bà, các mẹ lần đầu biết đến những bó hoa do các con tự tay chuẩn bị. Hiển nhiên, bên cạnh cái sự ăn, sự mặc hàng ngày, việc “làm màu” như thế cũng góp thêm chút gia vị ngọt ngào cho cuộc sống.

2. Nói đến chuyện quà tặng, không hẳn cứ phải món quà quý giá, hay đắt tiền. Câu nói “của cho không bằng cách cho” luôn đúng trong mọi trường hợp. Chỉ cần nhìn món quà từ khâu chuẩn bị, cách tặng, là có thể thấy hết tấm lòng được gửi gắm trong đó. Như chia sẻ của chị Hồng Ngọc, món quà mà chị nhận được từ cậu con trai chỉ trị giá 5.000 đồng, dù nhỏ nhưng cũng khiến chị “tan chảy” bởi sự hồn nhiên của con trẻ. Hay như chị Minh Thúy (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) dù trải qua mấy lần chuyển nhà, nhưng vẫn giữ tấm thiệp đầu tiên con gái tặng, có hình ngôi nhà và dòng chữ “Con yêu ba mẹ”. Với chị, đó là món quà vô giá, dù sau này khi lớn lên, dịp đặc biệt nào con cũng kỳ công chuẩn bị, khi là chiếc bánh tự làm, lúc lại là những món quà biết mẹ rất thích và quyết tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua.

3. Với những người trong gia đình, nhất là các cặp vợ chồng, dù mới cưới hay đã ăn đời ở kiếp với nhau, những món quà đôi khi chính là thay lời muốn nói. Nó, có thể là thay lời xin lỗi vì đã trót khiến đối phương chạnh lòng; là cầu nối giúp hâm nóng hạnh phúc, thể hiện sự ân cần, quan tâm và sẻ chia. Thử hỏi, có ai không chạnh lòng và cả chút ghen tỵ nếu chưa một lần nhận được món quà nào từ người bạn đời của mình.

Trong cuộc sống bộn bề, với rất nhiều những nỗi lo thường nhật, đôi khi không tránh khỏi chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của kim, tiền. Nhiều gia đình, khi tiền đã là của chung, ai thích gì cứ mua nên dần mất đi thói quen tặng quà cho nhau. Có phải bà vợ nào cũng tâm lý để nhớ đến những ngày đặc biệt dành cho chồng, hay luôn có lý do: phụ nữ mỗi năm chỉ có 2 ngày để được tôn vinh, số còn lại đều đã dành hết cho đàn ông?

Nói đến chuyện quà tặng, hiển nhiên trẻ em và người già luôn rất thích được nhận quà. Với trẻ em, đó là ý nghĩa của sự động viên, khích lệ, nhất là khi vừa làm được một việc tốt hay đạt thành tích nào đó trong học tập. Và tương tự, tặng quà cho bố mẹ, nhất là những người lớn tuổi, sẽ luôn khiến họ thấy mình còn giá trị trong mắt con cái. Những món quà biểu trưng cho sự gắn kết thế hệ, giúp mẹ chồng - nàng dâu, hay chàng rể và gia đình bên vợ càng gần gũi hơn.

Những niềm hạnh phúc tưởng chừng nho nhỏ ấy, có thể dành tặng cho nhau bất cứ khi nào. Vậy nên, dù cứ cho là làm màu đi chăng nữa, quà tặng nếu được gửi gắm trong đó bằng tất cả tấm lòng của người gửi, vẫn mang nhiều ý nghĩa tích cực.

Thông thường, khi con cái còn nhỏ, bố mẹ thường nhận được những món quà từ con mà ở đó có tất cả sự hồn nhiên, ngây ngô và dễ thương. Đó có khi chỉ là một tấm thiệp giấy với những nét chữ còn nguệch ngoạc, hay những bông hoa được cô hướng dẫn tô màu vụng về. Có lẽ đó là món quà trong trẻo nhất mà bậc cha mẹ nhận được trong cuộc đời mình…

Tin cùng chuyên mục