Cuộc sống rất cần phản biện xã hội

Từ khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nan đưa ra đề án phản biện xã hội, thì khái niệm phản biện và cụm từ phản biện xã hội được sử dụng khá nhiều trên các kênh thông tin đại chúng. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi việc phản biện thực ra cũng là bản chất của sinh hoạt cộng đồng.

Chúng ta cần thấy rằng, thực tiễn cuộc sống là một bức tranh rất sinh động của phản biện xã hội. Ví như muốn cho vấn đề dân chủ dân sinh, công bằng xã hội, kỷ cương phép nước... được tôn trọng và thực thi triệt để, thì phải có những tiếng nói chính thống của đông đảo quần chúng nhân dân, bởi không ai khác, mà chính nhân dân là tác nhân sản sinh ra những luận điểm có tính chân lý.

Từ sinh hoạt tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý vào bản kiểm điểm công tác và tự phê bình của Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã vừa rồi, cho thấy tính phản biện xã hội được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết, lần đầu tiên người dân được phép có tiếng nói phản biện về những điều dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, câu chuyện mà lâu nay họ chỉ có nghe chính quyền nói, chứ chưa được nói cho chính quyền nghe như bây giờ.

Theo nghĩa tích cực, hành động phản biện là một loạt các động thái giải quyết rốt ráo những mặt hạn chế, những tiêu cực, những yếu kém, những cản trở... làm cho sự vật hiện ra đầy đủ hơn, rõ ràng hơn và sự việc được trong sáng hơn, minh bạch hơn.

Hiện nay, trên diễn đàn cả nước đang cùng nhau trao đổi vấn đề chống tiêu cực trong ngành giáo dục - đào tạo, với một cụm từ ngắn gọn và dễ hiểu là “Nói không với tiêu cực”, từ diễn đàn này rất nhiều ý kiến tâm huyết của các tầng lớp dân cư, các thành phần xã hội đã bộc lộ, ảnh hưởng của diễn đàn này là hàng loạt các vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục - đào tạo được phanh phui.

Để cho phản biện xã hội đạt được mục tiêu tích cực của nó, thì phải có định hướng phản biện, hiểu một cách nôm na rằng phản biện phải có nơi, có chỗ, có người nói và người nghe; phạm vi, quy mô, nội dung phản biện như thế nào phải được tính toán, cân nhắc thấu tình đạt lý trên cơ sở phát huy quyền dân chủ, nhưng trên hết và trước hết thì phải xác định mục đích phản biện là gì, đi tới đâu?

Ai cũng biết khi phản biện trở thành một diễn đàn xã hội, thì bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Còn việc lợi dụng diễn đàn dân chủ này, để phản biện những vấn đề gây hại cho dư luận xã hội, mất phương hướng, hoang mang dẫn đến tình trạng mất an ninh xã hội…, tất nhiên điều đó sẽ có lợi cho một số kẻ cơ hội và cuộc sống chân chính sẽ không bao giờ chấp nhận kiểu phản biện như vậy.  

MAI MỘNG TƯỞNG
(Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Sơn Trà - TP Đà Nẵng)

Tin cùng chuyên mục