
Cuối năm 2006, tôi đến thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và gặp ông đang chăm chú đọc sách. Mở đầu câu chuyện bằng việc nhắc đến sự kiện và thành công của Hội nghị APEC vừa qua tại Hà Nội, ông bình luận: Đây là một trong những sự kiện chính trị- xã hội lớn nhất của nước ta năm 2006.
Từ lúc đó cho đến kết thúc buổi tiếp, ông say sưa trò chuyện sôi nổi về nhiều đề tài nóng hổi, tâm huyết, đi sâu trực tiếp vào bản chất của các vấn đề thời sự, gợi mở nhiều ý tưởng, suy nghĩ cho người nghe.
Nhắc lại hai hình ảnh nổi bật: Thủ tướng Australia chạy bộ, trò chuyện với dân cư Hà Nội quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và Tổng thống Mỹ đến thăm một quán ăn ở TP Hồ Chí Minh - đồng chí Đỗ Mười mỉm cười hỏi tôi có nhận xét gì, rồi không đợi tôi nói, ông tự trả lời bằng lời khen cơ quan báo chí ta là giỏi, chuyên nghiệp cao.
Ông bình luận: Chỉ hai hình ảnh và tin tức đó đủ nói đất nước ta hòa bình, an ninh, mến khách, thân thiện và các nhà lãnh đạo mọi quốc gia hãy nhận một thông điệp - mục đích của nhân dân thế giới là giống nhau: mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển bền vững.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Hợp tác xã Cân Nhơn Hòa (Bình Thạnh) trong một chuyến làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L.
Hội nghị APEC, việc gia nhập WTO của Việt Nam và những trăn trở của một nhà lãnh đạo lâu năm của Đảng, Nhà nước về các chiến lược, sách lược tầm quốc kế, dân sinh dường như hòa quyện lại, ông tiếp tục đưa ra những kiến giải sắc sảo xung quanh các vấn đề về ngoại giao, kinh tế đối ngoại, việc học hỏi- vận dụng kinh nghiệm quốc tế, nhất là của các nước có hoàn cảnh tương tự như ta.
Ông rút ra một phương châm đối ngoại ngắn gọn của nhiều quốc gia hiện nay là: Phát triển đối tác, hạn chế đối tượng và tránh hẳn đối đầu. Trong sân chơi rộng lớn WTO, như vậy sự cạnh tranh diễn ra đồng thời cùng sự hợp tác; sự cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp nước này với nước kia mà có cả sự cạnh tranh giữa các nhà nước với nhau- cạnh tranh bằng các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, thu hút đầu tư; nâng cao thương hiệu, uy tín quốc gia; tạo sự liên kết, tin cậy lâu dài trong giao thương quốc tế, quan hệ song phương, đa phương…
Giọng ông chợt trầm xuống, ông nói vào WTO, người nông dân sẽ gặp nhiều thách thức hơn các tầng lớp khác. Ông nói: Thép là “thức ăn” của chế tạo máy, muốn chủ động trong sản xuất một số máy móc (mà nếu nhập thì đắt hơn và bị phụ thuộc) nên tập trung đầu tư đúng mức cho ngành thép, nhất là muốn đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, cung cấp các máy móc không quá phức tạp như phục vụ cày bừa, gặt đập, công nghệ sau thu hoạch v.v… “Thức ăn” cho công nghiệp chế biến nông sản của ta rất dồi dào, phong phú, do đó vấn đề là sau khi vào WTO, ta phải tổ chức lại sản xuất cho hiện đại: tìm ra giải pháp đầu tiên có thể thí điểm, sau mở rộng sao cho tập trung được nhiều nhà nông chung lưng đấu cật, tránh manh mún, nhỏ lẻ; giải quyết tận gốc bài toán về vốn, áp dụng và chuyển giao khoa học- công nghệ, tìm đầu ra ổn định cho nông sản (mà phải tiến tới xây dựng các doanh nghiệp nông nghiệp đủ năng lực cung cấp số lượng nông sản qua chế biến, đúng chuẩn nhãn hiệu và các quy định của WTO theo đơn hàng số lượng lớn hàng ngàn tấn của quốc tế).
Ông kết luận: Để giành thị trường trong cuộc cạnh tranh lâu dài với các nước khác, phải chú ý đúng mức tới khâu gốc rễ là sản xuất. Ông liên hệ với kinh nghiệm quốc tế là: Nhà nước nên nắm lớn, bỏ nhỏ; thị trường lớn còn chính phủ nhỏ.
Ông nhấn mạnh: Các doanh nghiệp sản xuất lớn ở một số ngành liên quan an ninh quốc phòng thì dứt khoát nhà nước phải nắm, còn lại phải đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp với các hoạt động phong phú cùng các ngành hàng khác nhau; cần chú trọng phát triển cả các doanh nghiệp trong những ngành dịch vụ mới, các ngành có hàm lượng chất xám cao mà ta có khả năng đáp ứng. Một khi xã hội ngày càng quy củ, thị trường hoạt động hiệu quả và rộng mở thì nhà nước phải chủ động liên tục hoàn thiện, tinh gọn bộ máy để đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, đủ uy tín và năng lực làm trọng tài, làm người thay mặt quốc gia bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi có tranh chấp quốc tế.
Khi tôi đề cập vấn đề công nhân và nêu ý kiến chuyên gia về lợi thế do sức lao động rẻ đã không còn quan trọng như trước đây, ông nói ngay: Hiện đã, đang và sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư đến nước ta lập nhà máy, công xưởng, khu chế xuất, tuyển hàng ngàn công nhân, họ cần nhận thức sòng phẳng rằng: Nhà đầu tư có của còn công nhân ta có công- đó chính là sức lao động- cũng là góp vốn.
Do đó người công nhân phải nắm vững luật pháp, ký hợp đồng lao động công khai, chặt chẽ và làm việc theo đúng hợp đồng đã ký, chứ đừng quá tự ti suy nghĩ đối lập quan hệ chủ- thợ. Nhưng vào WTO rồi, Nhà nước nên tổ chức lại hệ thống trường nghề theo chuẩn quốc tế, phù hợp với sự phát triển lâu dài của đất nước, bởi vì muốn nâng cao giá trị lao động thì người công nhân thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải có tay nghề cao, hiểu biết pháp luật, có kiến thức về kinh tế thị trường, văn hóa- xã hội…
Biết gia đình tôi và vợ tôi có nhiều người từng là quân nhân, nhà lãnh đạo có thời là cựu binh tâm tình: Để giành được độc lập đất nước, biết bao thế hệ phải ra chiến trường, chịu nhiều hy sinh, mất mát.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần tuyển tập của Bác Hồ, tác phẩm “Thư vào Nam” của đồng chí Lê Duẩn, lần nào ông cũng xúc động, càng thấu hiểu sâu sắc vấn đề độc lập và phụ thuộc; tự chủ và hợp tác, phát triển.
Ông triết lý: Trong phạm vi gia đình thì việc nhà anh, anh phải tự giải quyết, chứ chẳng ai đứng ra giải quyết hộ anh; suy rộng ra việc quốc gia dân tộc cũng vậy. Do đó phải tìm được sở trường của mình mà phát huy; phải có nội lực đủ mạnh để giữ độc lập, tự chủ, hợp tác với chung quanh ở thế chủ động và phát triển bền vững, lâu dài…
Đã gần trưa mà ông vẫn say sưa trò chuyện, tới khi anh Phan Xuân Kính, người trợ lý lâu năm bước vào, đề nghị ông nghỉ trưa, ông mới đứng dậy. Bắt tay tạm biệt nhà lãnh đạo giàu tâm huyết và thực tiễn, tôi kính chúc ông mạnh khỏe. Trưa Hà Nội hôm ấy đầy nắng, một vài ngọn gió lướt trên những hàng cây của phố Phạm Đình Hổ rồi lan đi, thổi mãi…
LÊ THANH BÌNH