Đã bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp thứ 7 vừa qua.

Đã bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026
Đã bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026

Đáng chú ý, thông tin của ban chỉ đạo cho biết, năm 2023, Chính phủ đã thành lập 26 tổ công tác trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về quy hoạch, đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính, bất động sản, đất đai, doanh nghiệp…

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được thúc đẩy, môi trường kinh doanh có bước cải thiện. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; 100% bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục TTHC nội bộ; chất lượng giải quyết TTHC có nhiều cải thiện.

Cải cách tài chính công được quan tâm, thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng. Đồng thời với nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, cụ thể là đồng chí Tổng Bí thư, đã tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 662.600 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, thống kê bước đầu đạt khoảng 93%, cao hơn khoảng 123.300 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022, cơ cấu chi cho đầu tư phát triển tăng lên.

Năm 2024, ban chỉ đạo cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên cả 6 lĩnh vực với trọng tâm, trọng điểm, trong đó có cải cách TTHC, tập trung đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh cải cách tài chính công, tập trung tăng cường các biện pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên, cơ cấu lại, tăng chi cho đầu tư phát triển, chống tiêu cực, tham nhũng trong việc sử dụng tài chính công.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, hoàn thành trước tháng 6-2024 vì rất cấp bách; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung, hoàn thành trong quý 2.

Tin cùng chuyên mục