(SGGPO).- Ngày 20-4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo tại khu vực phía Bắc.
Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, đa số các ý kiến góp ý cho rằng, mục tiêu quan điểm xây dựng Dự án Bộ Luật là phù hợp; nội dung Dự thảo Bộ luật có nhiều quy định mang tính đột phá quan trọng, góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013; các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự; xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Bộ luật vẫn còn một số nội dung chưa rõ ràng, không đồng bộ, chưa giải quyết được triệt để những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 10 vấn đề trọng tâm được Chính phủ lấy ý kiến nhân dân. Hầu hết ý kiến bày tỏ tán thành quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự và cho rằng, đây là một trong các đột phá của việc sửa đổi Bộ luật lần này.
Phó trưởng Khoa Luật Dân sự ĐH Luật Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, không chỉ Tòa án, mà dự thảo cần quy định rõ các cơ quan khác như UBND các cấp, các bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự.
Hình thức sở hữu cũng là một vấn đề được các đại biểu quan tâm cho ý kiến, trong đó nhiều ý kiến đồng tình với quy định bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức độc lập.
Qua thống kê từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp cho biết, tính đến ngày 15-4-2015, đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến về Dự thảo BLDS của các cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, thẩm phán, kiểm sát viên, công chứng viên, luật sư, trọng tài, chuyên gia y tế, đại diện các nhóm yếu thế trong xã hội ... tham gia đóng góp.
ANH PHƯƠNG