Xuất phát từ yêu cầu cần đổi mới phương pháp dạy và học, Sở GD-ĐT TPHCM đã chủ trương biên soạn bộ tài liệu dạy - học môn vật lý nhằm giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng mà Bộ GD-ĐT quy định.
Thích thú với bộ tài liệu mới
Từ năm học mới 2013-2014, nhiều trường THCS trên địa bàn TPHCM đã thí điểm sử dụng bộ tài liệu dạy - học vật lý lớp 6 ,7, 8 do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn. Bộ sách tham khảo này được học sinh và giáo viên hào hứng đón nhận vì trình bày đẹp, từ ngữ dễ hiểu và có nhiều hình ảnh minh họa sinh động… Với những ví dụ sát thực tế về những hiện tượng vật lý, tình huống xảy ra trong cuộc sống, gần gũi với lứa tuổi học trò đã giúp các em mở rộng kiến thức, tầm nhìn và tự học hiệu quả hơn. Ưu điểm nổi trội ở bộ tài liệu là phân bổ rõ ràng giữa hai phần lý thuyết và thực hành. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm 2009, sở đã triển khai biên soạn bộ tài liệu dạy - học môn vật lý dành cho học sinh THCS và bắt đầu thí điểm dạy lớp 6 từ năm 2011 - 2012 tại một số trường THCS.
Khảo sát cho thấy, phần đông học sinh đều thích thú với bộ sách mới này, trong đó thích nhất là phần khám phá thế giới quanh ta. Từ những ví dụ, minh họa thực tiễn sinh động, gợi mở trí tò mò, thích khám phá, thực hành, sau các bài học, học sinh có thể ứng dụng, tự tay làm những món đồ chơi nho nhỏ, như mô hình xe chạy bằng dây thun (lớp 6) và kính vạn hoa, lắp ráp mạch đèn LED trang trí nơi bàn học (lớp 7)… Bên cạnh nhiều ưu điểm, một số ý kiến cho rằng có nhiều chủ đề diễn đạt hơi dài hoặc chi tiết quá sẽ khiến học sinh ngại đọc và giá thành còn cao.
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, chủ biên - Phó phòng THPT Sở GD-ĐT TPHCM, đây là tài liệu dạy - học mang tính tham khảo nên sở không áp đặt các trường phải sử dụng. Tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế, trường nào thấy phù hợp thì sử dụng và hiện có một số nơi chưa sử dụng.
Dự kiến trong năm học tới sẽ ra mắt cuốn tài liệu dành cho học sinh lớp 9.
Cần “đổ móng trước khi xây nhà”
Việc chủ động biên soạn bộ sách tài liệu môn vật lý dành cho học sinh THCS của TPHCM là bước đột phá nhằm đổi mới cách dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu học để biết và học để thực hành. Thực tế này cũng chứng minh rằng căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo bộ môn có thể tự biên soạn tài liệu giảng dạy phù hợp với thực tiễn địa phương, gần gũi với học sinh. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của ngành giáo dục - đào tạo, nhiều giáo viên đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, tự thiết kế bài giảng theo trình độ, năng lực học sinh. Tuy nhiên, chỉ có những giáo viên giỏi chuyên môn mới làm được điều này. Còn những người khác vẫn bám sách giáo khoa, giảng dạy cho an toàn. Đối với những môn khoa học tự nhiên, trong đó có môn vật lý, chương trình học rất nặng nhưng thời lượng dành cho bài học ít nên các em không hiểu hết nội dung. Vì thế, nếu có tài liệu tham khảo dễ hiểu, dễ thực hành, các em có thể tự học, tự nghiên cứu tại nhà. Hơn nữa, trình độ giáo viên ở các môn học không đồng đều nên cần có những bộ tài liệu thống nhất để hỗ trợ việc giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Bộ GD-ĐT, định hướng xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 sẽ có hàng loạt điểm mới. Nội dung, cấu trúc của chương trình giáo dục đổi mới sẽ ưu tiên những kiến thức cơ bản, hiện đại nhưng gắn bó thiết thực với cuộc sống hàng ngày, tránh hàn lâm, kinh viện, lý thuyết, ưu tiên thực hành, ứng dụng nhằm giảm tải, tăng sự hứng thú cho học sinh. Như thế, từ cách làm mang lại hiệu quả cao của TPHCM, Bộ GD-ĐT nên khuyến khích các cơ sở giáo dục, chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo giỏi nghề, giàu tâm huyết biên soạn tài liệu tham khảo cho các cấp học, môn học. Từ những viên gạch này, chúng ta mới có thể xây nền móng vững chắc cho bước đột phá đổi mới - hiện đại hóa chương trình sách giáo khoa, trong đó sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để các trường, các địa phương chọn lựa theo nhu cầu.
"Sở mong muốn có một bộ sách hỗ trợ việc dạy và tự học chương trình vật lý THCS của thầy cô giáo, học sinh, trong đó cập nhật kiến thức theo sát những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, kích thích lòng ham học của học sinh - yếu tố quan trọng giúp các em học tập hiệu quả…" Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM |
KHÁNH BÌNH