Sau khi có Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đang được khẩn trương xây dựng và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia (trước đây, quy hoạch năng lượng chỉ được đề cập trong chiến lược ngành). Lý do là những năm gần đây, an ninh năng lượng đang trở thành vấn đề rất nóng và cấp thiết ở nước ta, nhất là về điện.
Theo dự báo, nhu cầu năng lượng sơ cấp của Việt Nam đến năm 2025 sẽ cần khoảng 110 - 120 triệu TOE (quy đổi năng lượng theo tấn dầu) và đến năm 2050 cần khoảng 310 - 320 triệu TOE. Còn số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện giai đoạn 2016 - 2020 ở nước ta khoảng 10,3% - 11,3% mỗi năm còn trong giai đoạn năm 2021 - 2030 là khoảng 8% - 8,5% mỗi năm. Như vậy, đến năm 2030, chúng ta cần phải làm ra khoảng 572 - 632 tỷ kWh điện.
Nhưng hiện nay, ngành năng lượng đang gặp phải những nút thắt lớn, khi từ một nước xuất khẩu điện sang Lào và Campuchia, chúng ta phải chuyển sang nhập khẩu điện và nhập khẩu cả than để sản xuất điện. Trong khi đó, theo Cục Điện lực và Năng lượng (Bộ Công thương), các năm tới, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng. Như vậy, chắc chắn nhu cầu nhập khẩu than sẽ ngày càng tăng trước nhu cầu điện gia tăng hiện nay. Nhưng nhập khẩu than và khí không dễ tìm nguồn mua, trong khi chúng ta vẫn chưa có cảng khí thiên nhiên hóa lỏng quy mô lớn cũng như cảng trung chuyển than đúng nghĩa, chưa nói hệ lụy môi trường, chi phí, giá thành cao. An ninh năng lượng càng trở nên nan giải hơn khi thủy điện đã khai thác triệt để và nhiều năm nay chúng ta không có thêm dự án lớn nào. Biến đổi khí hậu khốc liệt cùng với nguy cơ tranh chấp nguồn nước càng tăng sức ép cho thủy điện.
Trong quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia lần này cũng không đề cập tới điện hạt nhân, dù rằng gần đây đã có đề xuất “khởi động lại”. Nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) là giải pháp giúp ngành năng lượng Việt Nam thoát khỏi một phần bế tắc, nhưng do chính sách về giá mua điện bất cập (ngày càng rẻ), điện thừa mà đường dây thiếu, điều kiện thời tiết không thuận lợi… nên nhà đầu tư nước ngoài hiện nay cũng không mặn mà, dù rằng trong thời gian qua, số lượng dự án này tăng nhanh (theo EVN, đến hết tháng 8-2020 đã có gần 23.000MW được bổ sung vào quy hoạch).
Song, điện năng lượng tái tạo cũng chỉ mang tính bù đắp chứ không đủ đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, nên điều quan trọng hiện nay là phải khắc phục ngay tình trạng hàng loạt dự án nguồn điện chậm tiến độ (trong đó riêng EVN có 72 dự án thì mới hoàn thành 4, có 21 dự án bị chậm hoặc nguy cơ chậm tiến độ, 47 dự án đang bám tiến độ) đưa vào vận hành theo đúng Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Song song đó, đẩy nhanh các thủ tục đàm phán, đường dây đấu nối để nhập khẩu điện từ Lào. Trước nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, việc nhập khẩu điện là không thể khác trong những năm tới.
Để giảm gánh nặng cho nền kinh tế khi phải nhập khẩu điện ròng về sử dụng, vấn đề đặt ra là phải làm cách nào để quản lý, sử dụng điện thực sự tiết kiệm - hiệu quả như mục tiêu mà Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã đề ra. Không thể cứ mãi tiếp diễn tình trạng sử dụng lãng phí, công nghệ lạc hậu giá rẻ tiêu hao nhiều điện như hiện nay; để làm ra một đơn vị GDP, Việt Nam phải tiêu tốn từ 1,6 - 1,8 đơn vị điện, trong khi các nước phát triển chỉ cần 1 đơn vị điện để tạo ra 1 đơn vị GDP. Nhà nước phải có giải pháp quản lý từ cả hai phía là sản xuất và sử dụng, không thể sử dụng lãng phí mà kém hiệu quả rồi năm nào cũng lo thiếu điện, nhập khẩu điện.