Đại học Việt Nam với công nghiệp 4.0

Giáo dục 4.0 là gì?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực internet, mạng xã hội, dữ liệu khổng lồ, di động, trí khôn nhân tạo và robot đã tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động này nhanh và mạnh hơn. Vậy giáo dục đại học (ĐH) của Việt Nam đã phản ứng như thế nào với cuộc cách mạng này?

Giảng viên, sinh viên trao đổi về mô hình trường ĐH sáng tạo và khởi nghiệp

Giáo dục 4.0 là gì?

Theo ông Jonhson Ong Chee Bin, chuyên gia kiểm định quốc tế của AUN (Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động trong xã hội tri thức. Đồng thời, nó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên. Nền công nghiệp 4.0 liên quan đến internet của vạn vật (loT), nơi con người, sự vật và máy móc được kết nối khắp nơi để sản xuất hàng hóa và dịch vụ mang tính cá thể hóa. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có sức ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá thể, gia đình, DN và đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là môi trường giáo dục, nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.

Nhận định về giáo dục ĐH Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng 4.0 tại hội thảo giới thiệu mô hình ĐH 4.0, do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TPHCM tổ chức, ông Jonhson Ong Chee Bin nói: “Tôi thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực Đông Nam Á quan tâm đến giáo dục 4.0. Điều này được minh chứng qua việc Chính phủ đã nhanh chóng triển khai chương trình quốc gia khởi nghiệp trong năm 2016. Tiếp đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với mục tiêu từ nay đến năm 2020, 100% các trường ĐH triển khai chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. 

Là trường ĐH đầu tiên nghiên cứu và triển khai mô hình ĐH 4.0, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định: “Đổi mới trong giáo dục ĐH được gọi là giáo dục 4.0, mô hình ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu quả việc đào tạo, giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa (người học hoàn toàn quyết định) việc học tập theo nhu cầu của bản thân. Giáo dục 4.0 không chỉ dừng lại với việc ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động của nhà trường (đào tạo, nghiên cứu, quản lý), mà còn là việc thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình ĐH. Điều này đã chứng minh trường ĐH không chỉ là nơi đào tạo - nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Trường ĐH không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với DN để trở thành một hệ sinh thái giáo dục”.

ĐH Việt Nam thay đổi như thế nào?

Để đẩy mạnh mô hình ĐH 4.0, Bộ GD-ĐT thành lập ban soạn thảo, nghiên cứu về mô hình ĐH 4.0 và nhanh chóng triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.

Ngày 21-3, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã làm việc và báo cáo với Bộ GD-ĐT về đề án thí điểm mô hình giáo dục 4.0. Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt đến mô hình ĐH 4.0, trường đầu tư xây dựng công viên khoa học, trung tâm phát triển công nghệ… tại Khu Công nghệ cao TPHCM, với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Đây sẽ là hệ sinh thái trường học bao gồm các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất ứng dụng thực nghiệm, tạo môi trường hiện đại, thuận lợi cho các chuyên gia nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm công nghệ mới theo mô hình giáo dục 4.0, gắn kết thành công giữa nhà trường với DN. Ngoài ra, trường đầu tư khoảng 300 tỷ đồng cho dự án tòa nhà tri thức 21 tầng tại quận 4, để triển khai xây dựng Trung tâm chuyển giao công nghệ giáo dục thông qua kết nối, chuyển giao và chia sẻ nguồn lực công nghệ giáo dục tiên tiến từ các đối tác quốc tế cho các trường tại địa bàn TPHCM và cả nước.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, định hướng giáo dục 4.0 cũng như những dự án của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là “phát súng đầu tiên” về mô hình giáo dục ĐH 4.0 để các trường khác tham khảo. Việc phát huy tinh thần sáng tạo trong việc đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo là hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TPHCM, cho rằng: “Việc Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chủ động thực hiện và tiếp cận tích cực với mô hình giáo dục 4.0 là điều rất đáng hoan nghênh. Đây là mô hình giáo dục phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại và tiên tiến, đồng thời sẽ tạo cú hích để đem đến sự thay đổi lớn đối với sự phát triển giáo dục ĐH của TP. Mục tiêu của TPHCM là sẽ có những trường ĐH danh tiếng trong khu vực và thế giới”.

Lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM vừa quyết định sẽ đào tạo 1.000 cán bộ (giảng viên, trưởng - phó khoa) về giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa TPHCM sẽ đưa nội dung sáng tạo và khởi nghiệp (chiếm 2 tín chỉ) vào chương trình đào tạo thạc sĩ, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành trường ĐH theo định hướng nghiên cứu.


THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục