Đảm bảo an toàn khi thay thế vaccine bại liệt

° Phóng viên:
Đảm bảo an toàn khi thay thế vaccine bại liệt

Bộ Y tế vừa đưa vaccine bại liệt uống 2 tuýp (bOPV) chứa 2 tuýp virus bại liệt 1 và 3 vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vào đầu tháng 5-2016, Bộ Y tế đã quyết định ngừng sử dụng, thu hồi và tiêu hủy vaccine bại liệt uống 3 tuýp (tOPV) (số đăng ký: QLSP-H02-0801-14) chứa 3 tuýp virus bại liệt 1, 2 và 3. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

° Phóng viên: Thưa ông, Việt Nam đã khống chế và thanh toán được bệnh bại liệt ở trẻ nhỏ, vậy vì sao Bộ Y tế lại quyết định thu hồi vaccine bại liệt uống 3 tuýp (tOPV) và thay thế bằng vaccine bại liệt uống 2 tuýp (bOPV) ?

Đảm bảo an toàn khi thay thế vaccine bại liệt ảnh 1

° PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU: Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000. Kết quả này tiếp tục được duy trì cho đến nay là do trong nhiều năm qua có trên 95% trẻ em được uống vaccine bại liệt 3 tuýp (tOPV) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Hơn nữa, vào tháng 9-2015, WHO đã công bố thanh toán virus bại liệt hoang dại tuýp 2 trên toàn cầu nên thành phần tuýp 2 trong vaccine không thực sự còn cần thiết nữa và cũng là để giảm thiểu nguy cơ gây liệt dù rất thấp của virus bại liệt tuýp 2 có trong vaccine. WHO đã khuyến cáo các quốc gia thành viên thay thế vaccine bại liệt uống 3 tuýp (tOPV) bằng vaccine bại liệt uống 2 tuýp (bOPV) chỉ chứa 2 tuýp virus bại liệt 1 và 3 (đã loại bỏ thành phần tuýp 2). Vì thế, Bộ Y tế đã quyết định dừng sử dụng vaccine bại liệt uống 3 tuýp (tOPV) và thay thế bằng vaccine bại liệt uống 2 tuýp (bOPV) vào tháng 6 tới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

° Ông có thể cho biết hiệu quả bảo vệ và những phản ứng thường gặp sau khi sử dụng vaccine bại liệt uống 2 tuýp (bOPV)?

° Hiệu quả bảo vệ của vaccine uống 2 tuýp (bOPV) đã được chứng minh tương đương với vaccine uống 3 tuýp (tOPV). Hơn nữa việc sử dụng vaccine bại liệt bOPV sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ gây bại liệt do thành phần virus bại liệt tuýp 2 có trong vaccine được bỏ đi. Về những phản ứng thường gặp sau khi sử dụng vaccine bại liệt bOPV là rất ít, nhưng khi dùng vaccine bOPV có thể gặp một số tác dụng không mong muốn tương tự vaccine tOPV như: sốt nhẹ, người mệt mỏi, tiêu chảy... Đáng chú ý, việc thay đổi vaccine bại liệt cũng không làm thay đổi lịch uống vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bởi lẽ lịch uống vaccine bại liệt bOPV tương tự như vaccine tOPV. Cụ thể mỗi trẻ sẽ được uống 3 lần vaccine bOPV lúc 2, 3, 4 tháng tuổi.

° Hiện có bao nhiêu nước trên thế giới tiến hành việc chuyển đổi từ vaccine bại liệt uống 3 tuýp (tOPV) bằng vaccine bại liệt uống 2 tuýp (bOPV), thưa ông?

° Tính đến tháng 5-2016, trên thế giới đã có 155 quốc gia đưa vaccine bại liệt uống 2 tuýp bOPV thay thế cho vaccine bại liệt 3 tuýp tOPV. Đây là hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Để việc chuyển đổi vaccine bại liệt được thực thành công, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng đã có các hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương.

° Việc sử dụng vaccine bại liệt uống  2 tuýp bOPV có làm tăng nguy cơ bệnh bại liệt do virus tuýp 2 sẽ xuất hiện trở lại không?

° WHO đã cảnh báo rằng nếu tiếp tục sử dụng vaccine tOPV sau tháng 5-2016 thì nguy cơ virus tuýp 2 của vaccine gây bại liệt còn cao hơn nhiều so với nguy cơ khi ngừng sử dụng vaccine bại liệt tuýp 2. Bên cạnh đó, WHO cũng đã thiết lập kho dự trữ toàn cầu vaccine bại liệt tuýp 2 để sẵn sàng hỗ trợ các nước trong trường hợp xảy ra dịch. Đối với nước ta, trong nhiều năm qua, tỷ lệ trẻ em được sử dụng vaccine bại liệt ở mức cao và nên miễn dịch cộng đồng cũng rất cao. Hơn nữa, trong tháng 3 và 4-2016, Bộ Y tế cũng đã triển khai cho trẻ em uống bổ sung vaccine tOPV tại 19 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao nên nguy cơ Việt Nam xảy ra dịch bệnh bại liệt là rất thấp.

° Xin cảm ơn ông!

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục