Đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Ngày 12-11, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tổ. Các ý kiến nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi dự luật này và đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

Ngày 12-11, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tổ. Các ý kiến nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi dự luật này và đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Chế tài nghiêm để hạn chế tiêu cực

Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), hiện tượng tiêu cực xảy ra không ít trong công tác thực hiện nghĩa vụ quân sự, “muốn đi cũng mất tiền mà hoãn cũng mất tiền”. Có cùng quan điểm này, ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) phản ánh, tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự vừa qua gây bức xúc trong dư luận, bất bình trong nhân dân. Nguyên nhân chính là các chế tài xử phạt chưa mạnh, luật cần quy định rõ hơn. Đối tượng trốn khám thì địa phương xử lý được, nhưng đối tượng quân nhân đào ngũ thì địa phương không xử được, vì họ đào ngũ thì không về địa phương mà đi nơi khác làm ăn...

Với quan điểm cho rằng việc phục vụ trong quân đội là nghĩa vụ vẻ vang của công dân, không chỉ cần đủ sức khỏe mà còn phải đảm bảo về tư cách đạo đức, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc quy định chỉ những người đang cải tạo không giam giữ, chưa được xóa án tích, đưa vào trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện… mới chưa được nhập ngũ, là chưa đủ.

Đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TPHCM) phát biểu ý kiến về Luật Nghĩa vụ quân sự. Ảnh: LÃ ANH

Vẫn tranh luận có nghĩa vụ thay thế hay không

Về vấn đề công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự, ĐB Dương Trung Quốc nêu vấn đề: “Đóng tiền thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự về lý thuyết thì nghe có vẻ phản cảm, nhưng thiết kế luật phải tính cách nào đó để đảm bảo công bằng. Quy hoạch quân đội chỉ tiếp nhận ngần đó người, thì số thanh niên dôi dư tính thế nào? Luật phải có tầm nhìn lâu dài nên phải tính đến việc đó”.

Theo ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội), điều quan trọng nhất luật này là phải tạo ra sự công bằng, minh bạch. Nhưng nói công bằng rất khó, vì chỉ có 6% đối tượng đến độ tuổi được thực hiện nghĩa vụ quân sự. “Có quan điểm nên có nghĩa vụ thay thế. Hiện trong dự thảo chưa có nghĩa vụ thay thế, nhưng tôi cho rằng nên có. Ai không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì có thể thực hiện nhiệm vụ khác. Ví dụ như giáo viên đi làm ở hải đảo xa xôi cũng như là nghĩa vụ thay thế” - ông Đỗ Kim Tuyến nêu quan điểm. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm có thể thay thế bằng tiền để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, cần phải phân biệt nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Không thể có chuyện đóng tiền thì được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Không được đặt vấn đề nghĩa vụ thay thế. 

ĐB Ngô Ngọc Bình (TPHCM) phát biểu: “Tôi đồng tình với việc sửa luật để đảm bảo công bằng xã hội và yêu cầu xây dựng quân đội tinh nhuệ, chất lượng. Để đảm bảo yêu cầu đó thì thời gian tại ngũ 24 tháng đối với bộ binh (kéo dài thêm 6 tháng so với hiện hành) là phù hợp, đảm bảo được yêu cầu huấn luyện đầy đủ về kỹ thuật, chiến thuật cho binh sĩ”. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Hưng (TPHCM) đề nghị cụ thể: “Độ tuổi động viên nên từ 18 - 27 tuổi, nếu không sẽ có một số đối tượng lợi dụng chính sách tạm hoãn để “lách”, không thực hiện nghĩa vụ”.

Không được lợi dụng phản biện để bôi nhọ

Ngày 12-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi). Một trong nội dung đáng chú ý nhất của luật này là vấn đề phản biện xã hội, giám sát xã hội. Khi thẩm tra dự luật, đa số ý kiến tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành không quy định việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, có thể thấy phần lớn đại biểu mong muốn Luật MTTQ (sửa đổi) sẽ bổ sung quy định MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. Ngoài ra, theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), việc giám sát, phản biện xã hội là thực hiện quyền làm chủ của dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. 

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, phát triển phải thông qua đấu tranh, giải quyết các mâu thuẫn. Không được lợi dụng phản biện xã hội để bôi nhọ, xúc phạm tổ chức cá nhân; chia rẽ khối đoàn kết, kích động, phá hoại trật tự an toàn xã hội. ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề nghị sau giám sát, phản biện phải có xử lý kết quả, vậy thì phải nêu rõ cơ chế để phản biện, vì làm mặt trận thì sợ nhất là câu “làm chung chung như mặt trận”.

Bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động

Ngày 12-11, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Theo tờ trình, trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động là trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm), trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hàng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người. Vì vậy, cần thiết phải có Luật ATVSLĐ để bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động. Đồng thời, bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác ATVSLĐ.

ANH THƯ - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục