Cung cầu hàng hóa ổn định
Báo cáo của Bộ Công thương về tình hình bán lẻ trong 9 tháng đầu năm 2022 của khu vực phía Nam cho thấy, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng) có xu hướng tăng. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương phía Nam vẫn đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021. Có tới 14/20 tỉnh, thành ghi nhận mức bán lẻ tăng trưởng cao hơn mức cả nước gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 47,14%, TP Cần Thơ tăng 43,53%, Trà Vinh tăng 40,79%, TPHCM tăng 25,9%... Trong đó, một số địa phương chiếm tỷ trọng đóng góp tăng trưởng cao như TPHCM có doanh thu bán lẻ 804.700 tỷ đồng, Bình Dương 200.900 tỷ đồng, Đồng Nai 168.600 tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhìn chung thị trường bán lẻ đã phát triển ổn định trở lại, hàng hóa phong phú, đa dạng, cung cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo; quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng được quan tâm.
Cũng trong những tháng qua, Chương trình bình ổn thị trường, gắn kết với các mục tiêu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các địa phương tích cực nhân rộng. Qua đó, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo đòn bẩy quan trọng cho phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực; đồng thời củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Đặc biệt, mạng lưới điểm bán hàng bình ổn, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đã được nhân rộng đến vùng nông thôn, vùng dân cư và công nhân tập trung, góp phần đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Để có kết quả này, theo Bộ Công thương, các địa phương khu vực phía Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sự phục hồi cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy bán lẻ tăng trưởng trở lại. Tại TPHCM, chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bán lẻ, nỗ lực thực hiện những giải pháp như: bình ổn thị trường, giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng. Có thể kể tới việc nhà bán lẻ Saigon Co.op chủ động bắt tay và liên kết các nhà cung cấp để không tăng giá hàng hóa trong thời điểm giá xăng dầu ở mức gần 32.000 đồng/lít hồi tháng 6-2022. Saigon Co.op cũng tích cực luân phiên thực hiện hàng loạt đợt giảm giá mạnh tay với hàng tiêu dùng, giúp người dân yên tâm mua sắm mà không lo tăng giá. Chính những hoạt động này đã góp phần thiết thực “kềm giá” hàng thiết yếu suốt giai đoạn giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu tăng mạnh.
Tiếp tục đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá hàng hóa
Theo Bộ Công thương, hiện cả nước nói chung, các tỉnh, thành phía Nam nói riêng đang bước vào giai đoạn cao điểm kinh doanh cuối năm; thị trường hàng hóa bán lẻ vì thế cũng sôi động hơn. Do vậy, các địa phương tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu theo Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, giá ổn định phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tỉnh Đồng Nai đang triển khai Chương trình bình ổn thị trường đối với 19 mặt hàng, gồm: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn... Tương tự, ở Cần Thơ, Sở Công thương đang chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2022, Tết Nguyên đán năm 2023. Chương trình kéo dài từ tháng 10-2022 đến 31-3-2023, hiện nhận được sự đăng ký tham gia của 16 doanh nghiệp với tổng trị giá dự trữ hàng hóa hơn 2.236 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 998 tỷ đồng; giai đoạn 2 hơn 1.237 tỷ đồng.
Tại TPHCM, theo Sở Công thương TP, trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, để đảm bảo khả năng bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sở đã vận động thêm các nguồn lực xã hội và tăng sản lượng sản phẩm hàng hóa tham gia Chương trình bình ổn thị trường. Theo đó, có tổng số 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình năm nay (tăng 9 đơn vị so với năm 2021), trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, thị phần cao như: Cholimex (gia vị), TH True Milk (sữa), Saigon Co.op (phân phối)… Theo kế hoạch, trong các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 25%-33% nhu cầu thị trường; các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường.
Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường cuối năm, Saigon Co.op cho biết đã tích cực phối hợp với các nhà cung cấp có kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên 2-4 lần nhằm chủ động điều tiết giá hàng hóa, giúp người tiêu dùng mua sắm an toàn và tiết kiệm. Trong số những mặt hàng chuẩn bị, nhà bán lẻ này tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống. Bên cạnh nguồn hàng, việc phát triển mạng lưới cũng được Saigon Co.op tập trung thực hiện nhằm đảm bảo phân phối hàng hóa (nhất là hàng Việt) xuất xứ rõ ràng, chất lượng và giá hợp lý đến tận tay người tiêu dùng.