Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” khép lại với hơn 4.000 câu hỏi của bạn đọc. Và “dư âm” của nó hiện vẫn còn, các cán bộ Phòng Tuyên truyền hỗ trợ của Cục Thuế TPHCM vẫn đang tiếp tục trả lời các câu hỏi, thắc mắc của người dân và doanh nghiệp (DN). Các chi cục phải cấp tập kiểm tra, xử lý rốt ráo các vấn đề mà người dân và DN phản ánh để kịp thời báo cáo kết quả lên lãnh đạo Cục Thuế.
Rất nhiều ngành, nhiều cấp, ngay cả các cấp chính quyền cũng bị dân phản ánh, nhưng không phải ai cũng dám… nghe sự thật như thế. Bởi biết khi tổ chức tuần đối thoại này, chắc chắn sẽ nhận được những lời trái tai, những lời khó nghe, vì chẳng ai đang yên ổn lại tốn công đi góp ý cho mình. Nhưng “Không thể chỉ nghe báo cáo trong cuộc họp mà không nghe phản biện từ người nộp thuế, khi mà đâu đó vẫn còn ý kiến phàn nàn” - ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM nghĩ vậy. Muốn chấn chỉnh, muốn hoàn thiện thì phải dám lắng nghe, với tinh thần cầu thị. Chương trình “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” ra đời với mục đích đó.
Không ngờ, nó mang lại thành quả to lớn. Khi mà chính sách thuế vốn đã có tác động rộng khắp đến từng hộ kinh doanh, từng DN, giờ lại “phủ” đến tận từng người dân, từng gia đình lúc Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực, đặc biệt ngay trong năm đầu tiên thực hiện quyết toán thuế TNCN với số lượng lớn (trên địa bàn TP có khoảng 1,7 triệu người được cấp mã số thuế) và là năm đầu tiên nên nhiều người còn bỡ ngỡ. Tuần lễ “Lắng nghe ý kiến người nộp thuế” đã kịp thời “giải vây”, giúp nhiều trường hợp quyết toán thuế TNCN đúng hạn.
Tuần lễ lắng nghe với sự cởi mở, chân tình, cầu thị, quyết liệt sửa sai của lãnh đạo Cục Thuế TP, các cán bộ thuế cấp dưới buộc phải nhìn lại mình, người nào sách nhiễu dân cũng “nhót” lại, bớt hoạnh họe. Từ chuyện cán bộ hạch sách, đến chuyện gây phiền hà, đến chuyện bất cập về chính sách đều được phanh phui cụ thể từng vụ việc. Có trao đổi hai chiều, ngành thuế mới có cơ hội nhìn rõ vấn đề, tìm hiểu các nguyên nhân để chấn chỉnh.
Trong số 4.000 câu hỏi, có đến 80% hỏi về chính sách thuế. Phân tích các câu sẽ thấy nhiều văn bản pháp luật khó hiểu, ngay cả cán bộ thuế cũng… mỗi người giải thích một kiểu, nói chi dân. Bên cạnh đó, có nhiều câu hỏi đã được hướng dẫn rõ ràng trong các văn bản luật, nhưng người nộp thuế không tìm hiểu, không đọc lại đổ hết trách nhiệm cho cán bộ thuế. Một số hoạt động cần chuyên môn nghiệp vụ thì DN lại cử những cán bộ không có nghiệp vụ đi làm rồi lại kêu khó… Tất cả các điều đó cho thấy, muốn cải cách hành chính, không chỉ ở mỗi cán bộ thuế mà cần sự chung tay của cả người dân và DN.
Đã “lắng nghe” thì phải “hành động”. Lãnh đạo Cục Thuế đã gởi văn bản đến tất cả các đơn vị trực thuộc, những đơn vị bị dân phản ánh, phải điều tra làm rõ và trả lời trước dân. Trường hợp DN được miễn thuế nhưng Chi cục Thuế Tân Bình không cho miễn đã được Chi cục Thuế mời lên trả lại số thuế đã nộp. Trường hợp sai sót về số liệu, “biến doanh nghiệp thành con nợ” (như Báo SGGP đã đăng ngày 29-5) đã được Cục Thuế mời lên điều chỉnh số liệu. Tiếng lành đồn xa, một số bạn đọc điện thoại đến Báo SGGP tỏ vẻ tiếc nuối vì đã không tin vào sự cầu thị của cuộc đối thoại nên không đến dự.
Nhưng ông Nguyễn Đình Tấn khẳng định, cải cách, chấn chỉnh thì không phải chuyện một ngày, một buổi mà phải làm lâu dài. Bất cứ vấn đề thắc mắc hay phản ánh của người dân dù gởi qua văn bản hay email đều được Cục Thuế TP tiếp nhận và trả lời trong vòng một tuần. Bên cạnh đó, từng vấn đề “nóng” sẽ được ngành thuế TP mang ra đối thoại với dân, DN, mà trước tiên, trong tháng tới sẽ tổ chức cuộc đối thoại về vướng mắc trong vấn đề hoàn thuế. Hy vọng, với các buổi tiếp xúc này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan thuế với DN và người dân, để các bên cùng chung tay cải cách hành chính, xây dựng ngành thuế tốt đẹp hơn.
HÀN NI