Người khuyết tật trước nay chỉ được biết đến qua những công việc lặt vặt như massage, bán vé số hay làm đồ thủ công. Thậm chí, nhiều người khuyết tật buộc phải ăn xin vì không thể làm gì khác. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ khuyết tật đang có kế hoạch để thay đổi tình trạng này.
Từ trải nghiệm bản thân
Nguyễn Minh Tuấn (27 tuổi), tốt nghiệp loại khá khoa Công nghệ thông tin - Đại học Sư phạm TPHCM. Tuấn hoàn thành các năm học tập như một sinh viên bình thường mà không có bất cứ ngoại lệ nào dành cho người khiếm thị. Nhớ về hành trình gian lao, Tuấn kể, gia đình Tuấn có di truyền bệnh thoái hóa hoàng điểm, thoái hóa võng mạc. Đến năm 19 tuổi thì thị lực suy giảm nhanh chóng và Tuấn trở thành người khiếm thị. Lúc đó, Tuấn đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, đành nghỉ học.
Nhiều bạn trẻ khuyết tật tự tin khởi nghiệp bằng các dự án giải quyết khó khăn cho người khuyết tật
Cảm giác bất lực khiến Tuấn hoàn toàn mất phương hướng và rơi vào khủng hoảng. Sau khi gia nhập mái ấm Thiên Ân (TPHCM), Tuấn có cơ hội được tiếp cận với những công cụ hỗ trợ người khiếm thị. Từ đó, Tuấn lấy lại quyết tâm theo đuổi việc học bằng việc theo học tại Đại học Sư phạm TPHCM. Trở lại giảng đường, Tuấn dùng máy ghi âm toàn bộ bài giảng để sau đó nghe lại, tự tìm tòi đọc thêm tài liệu trên mạng thông qua phần mềm hỗ trợ đọc màn hình.
Kể từ khi nếm trải những khó khăn của người mất đi thị lực, Tuấn luôn ấp ủ mong muốn được làm một điều gì đó, giải quyết khó khăn của chính mình và những người đồng cảnh. Cả nước có hơn 1 triệu người khiếm thị, chỉ 20% có việc làm. Nhận ra cơ hội lựa chọn của người khiếm thị là vô cùng giới hạn, Tuấn khao khát tạo ra những cơ hội bình đẳng cho những người không còn đôi mắt sáng. “Người khiếm thị dường như chỉ được biết đến qua những công việc như massage, bấm huyệt, bán vé số, làm đồ thủ công. Trong khi họ hoàn toàn có thể làm rất nhiều việc như giáo viên, phiên dịch, biên dịch, lập trình…”, Tuấn nhìn nhận. Tuy nhiên, theo Tuấn, ngay cả khi có thể làm việc thì người khiếm thị vẫn có quá ít cơ hội để tìm được một công việc ổn định, bởi nhiều nhà tuyển dụng thường từ chối do chưa có khả năng, kinh nghiệm làm việc chung hay không biết người khiếm thị có thể làm được việc gì. Với thế mạnh đang là giảng viên dạy công nghệ thông tin ở mái ấm Thiên Ân, Tuấn đã cùng nhóm bạn khiếm thị ấp ủ dự án xây dựng website tạo một cầu nối giữa người khiếm thị và nhà tuyển dụng.
Trong khi Nguyễn Minh Tuấn mong muốn giúp người khiếm thị tìm được công việc phù hợp có thể tự nuôi sống bản thân thì Phan Thị Kim Vân (25 tuổi) đang hiện thực hóa giấc mơ giúp đỡ người khuyết tật vượt qua những khó khăn trong việc tham gia giao thông công cộng. Vân là người khuyết tật vận động từ khi còn rất nhỏ do bị nhiễm virus bại liệt. Bố mẹ Vân hàng ngày cõng con tới trường, mỗi cấp học, trường lại thêm xa. Đến khi Vân đậu vào Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM thì bố mẹ không thể cõng Vân được nữa. Vân rời nhà, một mình vượt 800km từ Quảng Nam vào TPHCM theo học, làm bạn với chiếc xe lăn. “Bản thân mình nếu không có sự trợ giúp từ bạn bè thì không thể nào tiếp cận các địa điểm trong giảng đường”, Vân chia sẻ. Cảm hứng từ bản thân vượt qua khó khăn nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, Vân nuôi một ước mơ đẹp đẽ: hỗ trợ người khuyết tật vượt qua khó khăn trong việc di chuyển.
Họ có thể làm được
Vân hiểu rằng trong ngày một ngày hai, khó có thể thay đổi cơ sở hạ tầng hiện tại theo hướng có khu vực được thiết kế riêng cho người khuyết tật. Giải pháp mà Vân và cộng sự Nguyễn Thị Thương lựa chọn là thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về người khuyết tật. “Cộng đồng hiểu rõ về những khó khăn của người khuyết tật, có kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật thì những trở ngại trong khi di chuyển của người khuyết tật sẽ được giải quyết”, Vân hào hứng.
Được sự hỗ trợ của chương trình UPSHIFT (Vươn lên) do UNICEF và Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE) thực hiện, Vân và 14 bạn thành viên trong nhóm đã hướng dẫn sinh viên ở Làng đại học Thủ Đức cách hỗ trợ người khuyết tật lên xuống xe buýt. Mới đây, dự án của Vân còn được UNICEF tài trợ một khoản tài chính 20 triệu đồng để mở rộng hoạt động. Tương tự, Tuấn và các bạn khiếm thị Nguyễn Minh Hải, Lê Thị Mai Thu, Đào Văn Thơm cũng vừa nhận được một khoản đầu tư 20 triệu đồng của UNICEF để thực hiện dự án tạo website đầu tiên về việc làm dành cho người khiếm thị. Bước đầu, đã có hơn 1.500 người quan tâm đến dự án. Điểm độc đáo, website có chia sẻ kinh nghiệm thực tế của người khiếm thị về việc làm để cộng đồng hiểu rõ hơn về năng lực của người khiếm thị và người khiếm thị hiểu rõ hơn năng lực bản thân. “Người khuyết tật có thể làm được, hãy cho họ cơ hội”, Tuấn mong mỏi và chứng minh bằng việc thiết lập cầu nối để nhà tuyển dụng và người khiếm thị tìm đến nhau.
Câu chuyện của Tuấn và Vân chỉ là một phần trong hành trình dám ước mơ, dám thực hiện của các bạn trẻ khuyết tật ở TPHCM. Từ tháng 9-2015 đến nay, chương trình UPSHIFT đã đến 12 quận của TPHCM, gặp gỡ gần 700 bạn trẻ ở các mái ấm, nhà mở, lắng nghe tâm tư, từ đó hướng dẫn, khuyến khích họ chuyển hóa thành hành động, giải quyết chính các vấn đề mình đang quan tâm. “Các bạn trẻ khuyết tật với những ý tưởng thiết thực, khi được tiếp sức hỗ trợ sẽ tạo sự thay đổi có ý nghĩa lớn lao. Sự thay đổi tích cực của xã hội hoàn toàn có thể nảy sinh từ chính những dự án của các em và các em có thể nhận ra vai trò quan trọng của mình trong sự thay đổi xã hội”, ông Jesper Moller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhận xét.
MẠNH HÒA