Dân chủ cơ sở - Một động lực phát triển kinh tế - xã hội

Chính quyền mở rộng dân chủ - Dân mở rộng tấm lòng
Dân chủ cơ sở - Một động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong mọi công việc, nếu chỉ sử dụng biện pháp hành chính đơn thuần thì không bao giờ thành công. Do vậy, khi chủ trương đúng thì việc phát huy dân chủ cơ sở sẽ khơi dậy phong trào quần chúng. Thực tế cho thấy: dân chủ cơ sở vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đó là bài học chung của TPHCM sau 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chính quyền mở rộng dân chủ - Dân mở rộng tấm lòng

Con số 86.568 hộ dân hiến 4.000.000m² đất, đồng thời góp thêm 20% - 30% kinh phí cùng Nhà nước mở rộng hẻm và chỉnh trang đô thị là dẫn chứng sinh động về việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở TPHCM từ năm 1998 đến nay. Điểm chung ở những nơi có phong trào hiến đất mở hẻm như quận 3, 8, 9, Phú Nhuận, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè… là hầu hết các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đều được thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Khi người dân tham gia kiểm tra, giám sát, kết quả thật rõ ràng: chất lượng công trình chẳng những được bảo đảm mà còn góp phần làm hạn chế thất thoát trong xây dựng. Bài học ở quận Phú Nhuận: Việc gì liên quan đến dân thì đem ra dân bàn! Khi quận Phú Nhuận vận động nhân dân hiến đất mở hẻm từ 1,5m lên 6 - 12m, không ít người tỏ ra băn khoăn. Tuy phải bàn đi tính lại nhiều lần trong các cuộc họp tổ dân phố, nhưng cuối cùng đa số người dân đồng thuận. Chỉ trong năm 2005 có 476 hộ tự nguyện hiến 2.688m² đất để mở hẻm, trị giá 62 tỷ đồng.

Một số địa phương như quận 9, Tân Phú, Bình Tân còn mở rộng hình thức dân chủ cho dân tham gia đóng góp dự thảo quy hoạch chi tiết cụm dân cư 1/2.000, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù giải tỏa và tái định cư… Nhờ tổ chức tốt việc “để cho dân nói”, chính quyền có điều kiện điều chỉnh những bất hợp lý trong kế hoạch phát triển và “điều chỉnh” chính mình.

Từ sự kiện dân hiến đất làm hẻm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua nhận định: “Dân hiến đất và hợp tác với chính quyền để mở hẻm thông thoáng, đó chính là dân mở rộng tấm lòng. Nói cách khác, chính quyền mở rộng dân chủ chính là phát huy nội lực trong dân. Điều này cho thấy, khi chính quyền và nhân dân cùng có chung mục đích, chung lợi ích và biết dân vận khéo thì mọi việc đều thành công”.

Đối thoại với dân để tìm giải pháp

Dân chủ cơ sở - Một động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1

Người dân giám sát thi công đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Năm 2006, tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân xảy ra tình trạng xây nhà không phép ồ ạt. Trước tình hình trên, để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục, ổn định trật tự xã hội, hạn chế dư luận bất an trong nhân dân, MTTQ, HĐND, UBND và các ban ngành đoàn thể quận Bình Tân và Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa tổ chức tọa đàm về “Nguyên nhân xây dựng nhà không phép”.

Qua tiếp xúc với các hộ dân, chính quyền quận, phường đã nhận ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao, đa số người dân ở các tỉnh đến tạm trú, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Ngoài ra, không thể không nói đến sự yếu kém trong công tác quản lý đô thị của địa phương.

Từ thực tế đó, quận đã đề ra một số giải pháp như: Đối với những trường hợp xây dựng không phép nhưng phù hợp quy hoạch thì không cần thiết tháo dỡ để tránh lãng phí tiền bạc của người dân. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng của TP nhanh chóng duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 để công khai cho dân tiến hành lập thủ tục chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở để được hợp thức hóa nhà ở. Kết quả có 10 trường hợp được xem xét là dạng xây dựng nhà tạm, 40 trường hợp người dân tự nguyện tháo dỡ. Một số trường hợp cam kết tháo dỡ có thời hạn nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho các hộ dân vi phạm xây dựng không phép.

Mở rộng dân chủ giúp giảm đình công

Thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ người lao động, từ năm 2006, LĐLĐ TP đã tổ chức “Phong trào mùa xuân” - một phong trào thi đua nhằm khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, ký kết thỏa ước lao động tập thể có lợi cho người lao động. Từ tỷ lệ ký kết thỏa ước lao động rất thấp trong các DN thời gian trước, đến năm 2008, tỷ lệ này đã đạt 74,95%. Có 2.056 trong số gần 2.800 DN trên địa bàn TP ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đặc biệt, nhiều DN đã xây dựng thang bảng lương với mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, các bậc lương cách nhau trên 5%... Các khoản phúc lợi như: bữa ăn giữa ca, tham quan, bảo hiểm được nhiều DN đưa vào thỏa ước với mức chi thỏa đáng. Điển hình như Công ty TNHH Thủy tinh Malaya Việt Nam đã nâng tiền ăn lên 9.000 đồng/người, tăng 30% phụ cấp phúc lợi.

Tại Công ty cổ phần Vina Ace Cook Việt Nam, nội dung Quy chế dân chủ trong công ty quy định rõ những việc tổng giám đốc phải công khai cho CN được biết như chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước có liên quan đến công nhân, nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, những kế hoạch có sản xuất kinh doanh hàng năm, chế độ chính sách có liên quan đến người lao động như BHYT-BHXH, chế độ nghỉ dưỡng, chế độ tiền lương, thưởng tết, làm việc ngoài giờ, làm việc ca đêm…

Đối với hoạt động đoàn thể trong công ty, ban giám đốc luôn tạo điều kiện sinh hoạt trong giờ hành chính, đồng ý trích 2% lợi nhuận hàng năm cho công đoàn hoạt động. Hàng năm, công ty xét nâng lương cho CN viên chức với mức tăng 10% - 15%. Công ty còn chủ động xây dựng khu nhà lưu trú cho 600 CN ở miễn phí. Ông Hoàng Cao Trí, Bí thư chi bộ Công ty Vina Ace Cook tâm đắc: “Thực hiện quy chế dân chủ ở công ty đã tạo mối liên hệ mật thiết giữa ban tổng giám đốc và các tổ chức đoàn thể, tạo sự an tâm, tin tưởng trong CN lao động. Chính vì vậy, công ty luôn ổn định, đặc biệt không có xảy ra đình công, lãn công”.

Tuấn Sơn – Mai Hương

Tin cùng chuyên mục