Đáng mừng từ kết quả xuất khẩu

Kết quả về tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đã thể hiện thành công bước đầu về mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng tốt các cơ hội trong hội nhập của Việt Nam. 

Theo đó, 7 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 288,47 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so cùng kỳ; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%); tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước cũng có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3%; ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD. Những con số đáng mừng này cũng cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã dần cải thiện nội lực, tăng năng lực xuất khẩu hàng hóa, nhạy bén, đón bắt thời cơ, đóng góp nhiều hơn cho kim ngạch xuất khẩu.

Nhận định về các yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, nhiều chuyên gia chung quan điểm rằng, mở cửa thị trường, hội nhập mạnh mẽ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đầu tư cho xúc tiến thương mại… chính là đòn bẩy để các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên, đón bắt cơ hội, gặt hái thành công. Các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Cách đây gần 4 tháng, Bộ Công thương đã có báo cáo về tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu sang khu vực CPTPP. Đến nay, xuất khẩu sang Canada tăng 31%; sang Mexico tăng 24,2%; sang Nhật Bản đạt 11,4 tỷ USD, tăng 9,3%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 4,4% và xuất khẩu sang ASEAN đạt 15,17 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, vẫn có những nỗi lo về những khó khăn, rào cản, rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta. Trong khi nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến tăng trưởng mạnh thì theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, 6/9 mặt hàng nông sản chính năm nay lại rớt giá mạnh trên thị trường xuất khẩu, mặc dù sản lượng, khối lượng đều tăng mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu không còn đạt được kỳ vọng, như rau quả, cà phê, hạt điều, khoai mì, gạo… Sự suy giảm này có một phần do xu hướng giảm giá trên thị trường thế giới, nhưng cũng còn do chủ trương thắt chặt nhập khẩu của một số nước.

Theo các chuyên gia, những lo lắng trên sẽ không đáng ngại nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực thực hiện chính sách đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với những động thái của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật; tích cực đàm phán, tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá…, bản thân các doanh nghiệp cũng nỗ lực, xác định chiến lược mặt hàng xuất khẩu, chiến lược thị trường, xác định mặt hàng xuất khẩu chủ lực, lựa chọn phương thức đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý. Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ tiếp tục giúp hàng hóa Việt Nam đi vào những thị trường cao cấp, có giá bán tốt, không còn nỗi lo chỉ phụ thuộc một thị trường.

Tin cùng chuyên mục