Đằng sau lời kêu cứu

Ngày 20-2, mạng xã hội lan truyền bức ảnh 2 giáo viên mầm non tại một quầy bán nước giải khát lưu động với dòng chữ “Giải cứu giáo viên mầm non”. Chưa biết rõ tính xác thực của bức ảnh, nhưng dòng chữ in đậm trên xe bán nước khiến nhiều người chạnh lòng.

Như vậy, vì ảnh hưởng chung của dịch bệnh, sau những lời kêu gọi người dân “giải cứu dưa hấu”, “giải cứu thanh long”, “giải cứu tôm hùm” thì nay giáo viên mầm non cũng là một trong những đối tượng cần… giải cứu.

Vì bất đắc dĩ thất nghiệp trong gần một tháng qua, nhiều giáo viên cho biết, không được nhận lương, phải tạm thời làm những công việc khác trong thời gian chờ trường học mở cửa trở lại.

Hiệu trưởng một hệ thống trường tư thục nổi tiếng ở quận 7 (TPHCM) chia sẻ, con số thiệt hại sau gần một tháng học sinh không đến trường đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhà giáo này giải thích, chỉ tính riêng tiền thuê mướn mặt bằng và trả lương bảo vệ, nhân viên vệ sinh đã hơn 250 triệu đồng; riêng tiền trả lương cho giáo viên đang được đơn vị tính toán. Đồng cảnh ngộ, một thành viên trong Hội đồng quản trị Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) bày tỏ, hiện tại trường chưa thu học phí tháng 2 của học sinh. Tuy nhiên, hơn 2 tuần qua một số giáo viên vẫn “lên lớp” thông qua hình thức học trực tuyến để ôn tập kiến thức cho học sinh.

Trước mắt, một số giáo viên đã đồng ý nhận lương mang tính chia sẻ với nhà trường, nếu thời gian nghỉ học kéo dài, trường sẽ tính thêm nhiều phương án khác. Đây cũng là tình hình chung của nhiều trường ngoài công lập khi học sinh không đi học, đồng nghĩa với không có nguồn thu học phí, nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, chi lương cho đội ngũ.

Nhiều trường mầm non, nhóm lớp độc lập, tư thục ở các quận vùng ven như Thủ Đức, Tân Phú đã tính đến việc cắt giảm nhân sự, thậm chí giải thể vì không có nguồn tài chính đủ mạnh để xoay xở. 

Mới đây, một số phòng GD-ĐT ở các quận, huyện như Tân Bình, Bình Chánh đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục ngoài công lập báo cáo khó khăn, đề xuất địa phương hướng tháo gỡ. Trong đó, đa phần các trường mong muốn địa phương có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các trường trang trải chi phí trong giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, tại một số quận khác, các đơn vị ngoài công lập cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm xã hội TP có thêm chính sách hỗ trợ để giữ chân người lao động. Đại diện các địa phương đều cho rằng, cơ sở giáo dục nhỏ, lẻ tập trung nhiều ở bậc mầm non.

Tuy nhiên, đây là nguồn lực đang chia sẻ áp lực lớn của địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu trường, lớp, nhất là ở những khu vực tập trung đông công nhân, người lao động nhập cư.

Trước ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh, sự quan tâm, chia sẻ khó khăn của ban, ngành, đoàn thể với các cơ sở giáo dục là cần thiết, vừa thể hiện tính nhân văn, vừa giúp không gây xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân khi học sinh chính thức đi học trở lại.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những chính sách căn cơ hơn từ phía các ban, ngành và lãnh đạo TP, trường học rất cần sự chung tay chia sẻ của cộng đồng; chẳng hạn, phụ huynh có thể chia sẻ một phần học phí để các trường duy trì hoạt động, tổ chức hình thức học tập trực tuyến; cá nhân, tổ chức cho thuê mướn mặt bằng xem xét giảm tiền cho thuê... 

Tin cùng chuyên mục