Đánh giá thực tâm, thực chất

Đánh giá chất lượng bệnh viện cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và trong quá trình thực hiện, các đoàn đánh giá cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản: phải công bằng, bảo mật thông tin và đánh giá dựa trên bằng chứng.

Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 của 115 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố. Có 37 bệnh viện đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (theo thang điểm 5), tăng 15,6% so với năm 2021 và chỉ còn 1 bệnh viện thuộc khối bệnh viện tư nhân đạt điểm dưới 2,5.

Trong đó, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 9%, nhóm bệnh viện thành phố tăng 2,5% và nhóm bệnh viện quận huyện tăng 0,3% so với năm 2021. Nhiều bệnh viện vẫn giữ được điểm dẫn đầu về chất lượng như: Bệnh viện Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhân dân 115, Từ Dũ, Viện Y dược học dân tộc, Hoàn Mỹ Sài Gòn, Nhân dân Gia Định…

Từ lâu, việc đánh giá chất lượng bệnh viện đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng và thực hiện. Nhiều tổ chức thẩm định chất lượng bệnh viện như JCI (Mỹ), ACHS (Australia)… đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn, sau đó thẩm định, cấp chứng nhận cho những bệnh viện đạt yêu cầu về chất lượng. Tại Việt Nam, hàng năm Bộ Y tế đều ban hành nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế.

Dù vậy, nhiều chuyên gia y tế nhìn nhận, việc đánh giá chất lượng bệnh viện không chỉ chú trọng dựa vào những bộ tiêu chí khung sẵn có mà cần tham khảo đánh giá kết quả trải nghiệm của người bệnh - đối tượng sử dụng dịch vụ của bệnh viện lên hàng đầu. Lắng nghe những bức xúc của người bệnh để từ đó tìm ra nguyên nhân, có giải pháp khắc phục, cải tiến và hướng tới mục tiêu phục vụ người bệnh tốt hơn.

Thậm chí, cần có những nghiên cứu sâu về các nhân tố ảnh hưởng từ cơ sở vật chất, sự tin tưởng, quan tâm chăm sóc, nhân lực, thái độ phục vụ và tài chính của người bệnh. Quan trọng hơn hết, việc đánh giá chất lượng bệnh viện không phải đợi theo kế hoạch, theo đợt triển khai mới thực hiện mà phải được thực hiện hàng ngày.

Trước xu hướng tự chủ tài chính hiện nay, các bệnh viện buộc phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng việc đổi mới tinh thần thái độ, thực hiện tốt quản trị bệnh viện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bệnh án điện tử, đào tạo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện; quản lý chuyên môn…

Khi chất lượng bệnh viện được cải thiện sẽ tăng sự hài lòng của người bệnh và giảm tai biến y khoa. Đây chính là cốt lõi để tăng uy tín của bệnh viện, tăng số lượng bệnh nhân; từ đó giúp nguồn thu của bệnh viện tăng để cải thiện thu nhập cho nhân viên, tái đầu tư và phát triển bền vững.

Đánh giá chất lượng bệnh viện cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và trong quá trình thực hiện, các đoàn đánh giá cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản: phải công bằng, bảo mật thông tin và đánh giá dựa trên bằng chứng. Điều này sẽ giúp quá trình đánh giá có hiệu quả, phát hiện các vấn đề chất lượng đã hoặc chưa đáp ứng để cải tiến.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tham gia đánh giá chất lượng phải là người đã được đào tạo, tập huấn, có kinh nghiệm công tác cần thiết với kiến thức, kỹ năng yêu cầu thực hiện đánh giá. Việc đánh giá chất lượng bệnh viện cần được thực hiện khách quan, trung thực, đánh giá đúng chất lượng. Cán bộ đánh giá chất lượng cần tận tâm, hỗ trợ các bệnh viện cải tiến chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Tin cùng chuyên mục