
Đó là cụ bà Trần Mỹ Dung, tên thường gọi là bà Mười (130/2 Điện Biên Phủ P17 Q.Bình Thạnh TPHCM). Dáng người nhỏ thó, miệng cười móm mém, ánh mắt lúc nào cũng như đang cười, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn còn linh hoạt. Bà là vợ của liệt sĩ Nguyễn Huy Xích (Biệt động Sài Gòn), bản thân bà cũng từng tham gia tiếp tế cho cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ.

Cụ bà Trần Mỹ Dung.
11 tuổi, mồ côi mẹ, bà Mười rời quê hương (Bến Tre) theo cha lên Sài Gòn. Tám năm sau người cha cũng qua đời bỏ lại bà một mình bơ vơ nơi xứ lạ. Những tháng ngày cơ cực đã giúp bà trở nên gần gũi với người nghèo khổ, bất hạnh.
23 tuổi, bà lập gia đình với ông Nguyễn Huy Xích. Hàng ngày, vợ chồng bà đi khắp các hang cùng ngõ hẻm tìm trẻ em lang thang đưa vào trại cô nhi nuôi nấng, cùng anh em bè bạn lập nhà bảo sanh, nhà nuôi trẻ cho chị em lao động nghèo, lập 3 cơ sở trường mẫu giáo hoàn toàn miễn phí, thăm viếng và giúp đỡ người nghèo khổ, bệnh tật. Mái nhà của vợ chồng bà cũng chính là nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng.
Năm 1961, bà làm nhân viên Trường Tiểu học Minh Tâm ở Củ Chi. Với danh nghĩa là nhân viên của trường, bà đã mua bánh mì, thuốc men, quần áo, giấy viết và cả máy đánh chữ vào tiếp tế cho lực lượng giải phóng. Thời gian này, quân Mỹ lập doanh trại đóng quân và đi càn quét khắp nơi, bà vội vàng đưa các con về cô nhi viện ở Gò Vấp ẩn nấp. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác hoạt động xã hội, bà vào làm quản lý nhà bảo trợ mẫu nhi, giúp cho các chị em lỡ lầm và các cháu cô nhi.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, bà Mười vẫn rất nhiệt tình với các công tác từ thiện xã hội. Hơn hai mươi năm liền bà làm việc ở Hội Từ thiện phường 17 quận Bình Thạnh; bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của UBMTTQ TPHCM và HĐND phường 16, 17 quận Bình Thạnh; bà thành lập lớp dạy may cho chị em nghèo, lo cho cháu bé bị tật ở chân được mổ.
Từ đó đến nay, bà Mười đã tổ chức hàng chục chuyến hàng, hàng chục ngàn bộ quần áo cũ, mùng mền, thực phẩm để giúp đỡ những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng bị thiên tai, lũ lụt, những bệnh nhân ở trại phong Di Linh. Hàng tháng, tiêu chuẩn được hưởng từ chính sách “Ưu đãi người có công với cách mạng – vợ liệt sĩ”, bà đều dành hết vào việc đóng góp vào quỹ tổ chức phần ăn dinh dưỡng cho người cao tuổi, nghèo khổ, cô đơn của phường.
Dù nhận được khá nhiều bằng khen thưởng của các cấp, nhưng bà vẫn rất khiêm tốn: “Vòng tay già nhỏ, mà trái đất to quá già ôm sao hết? Già chỉ là hạt cát trong biển trời, nhưng thân già này còn sống được ngày nào, già sẽ dành hết sức lực cho những người đói nghèo, bất hạnh”.
XUÂN AN