Kể từ khi những nhà tiên phong Canada triển khai các khóa đào tạo từ xa qua mạng (Massive Open Online Courses, gọi tắt MOOC) năm 2008 đến nay, hầu hết những người tìm kiếm tri thức trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã dần quen với khái niệm này.
Nhu cầu thật
Hình thức đào tạo này hiện còn nhiều ý kiến đa chiều, tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận đó là ngày càng nhiều người ủng hộ Internet và MOOC, vì nó đang làm đúng “sứ mệnh” phổ biến tri thức đa dạng và chuyên sâu, nhất là liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và công nghệ thông tin. Từ thực tế cũng cho thấy, tổ chức lớp học MOOC của các đại học danh tiếng thế giới như Harvard, Yale, Oxford, đến các thống kê của nhiều báo và tạp chí quốc tế như The Economist, Forbes và các tập đoàn phát triển công nghệ lớn như Google, Microsoft…, đều không phủ nhận sự phát triển nhanh chóng về cung lẫn cầu của phương pháp MOOC. Hình thức MOOC trong giáo dục có những ưu điểm hết sức rõ ràng. Đó là khả năng dễ tiếp cận người học và linh hoạt trong phân phối, cập nhật kiến thức, giúp người học linh động về thời gian và địa điểm. Người học tại một quốc gia như Việt Nam có thể đăng ký và tham gia khóa học chuyên ngành tại châu Âu hoặc châu Mỹ mà không cần phải hiện diện tại đó. Bên cạnh đó, với kho tài liệu phong phú và công cụ tìm kiếm hiệu quả, MOOC mang đến cho người học nguồn tư liệu tra cứu nhanh chóng, tiện lợi.
Tại Việt Nam, xu hướng phát triển MOOC cũng dễ dàng, được nhận thấy với sự quan tâm và triển khai của nhiều trường đại học công lập, tư thục đến quốc tế cũng như các chương trình bồi dưỡng, huấn luyện của các viện điển hình như Viện IBM thuộc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM.
Khắc phục hạn chế
Hình thức đào tạo từ xa qua mạng tuy có nhiều tiện ích, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong đào tạo chuyên ngành thực nghiệm tại chỗ và một số môn liên quan đến kỹ thuật thực hành trong y khoa, điện tử, thí nghiệm hóa học. Các chuyên ngành phổ thông hơn như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin hầu hết thiếu sự liên kết trực tiếp giữa học viên với nhau trong hoạt động nhóm khi triển khai đào tạo bằng MOOC. Ngoài ra, việc học viên phải tự mình nghiên cứu tài liệu cũng là điểm hạn chế về tâm lý thường thấy. Với văn hóa học tập và làm việc tại các nước châu Á, điển hình như Việt Nam, người học chưa thực sự chủ động. Vì vậy, tỷ lệ bỏ học đối với hình thức MOOC còn rất cao. Qua trao đổi với một số sinh viên học chương trình đào tạo từ xa trong nước và quốc tế, theo họ nhu cầu về dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt là hết sức cấp thiết.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, để học tốt mô hình trên, học viên rất cần một “nhịp cầu” hỗ trợ chuyên biệt sẽ giúp khắc phục những hạn chế. Với chức năng huấn luyện, bồi dưỡng các chuyên đề quản trị kinh doanh dựa trên nền tảng nghiên cứu chuyển giao khoa học kinh tế và quản lý với một số quốc gia tiên tiến, thời gian qua một trong những đơn vị làm tốt vai trò “bà đỡ” này, có thể kể đến như Viện IBM. Theo các học viên, với hình thức hỗ trợ chuyên nghiệp tại viện thời gian qua đã và đang giúp họ khắc phục căn bản những hạn chế của hình thức MOOC. Cụ thể, viện đã hình thành các lớp học bổ trợ giúp học viên có thêm sự tương tác trực quan, đồng thời nắm vững kiến thức ứng dụng và duy trì động lực học tập là rất quan trọng.
Sự phát triển lành mạnh của “nhịp cầu” hỗ trợ chuyên biệt đi kèm có thể giúp cho hình thức MOOC phát huy tối đa ưu điểm vốn có, góp phần “giải phóng tri thức” cho mặt bằng chung nguồn nhân lực thế giới, trong đó có Việt Nam.
DUY ANH