
Sách giáo khoa khô cứng, chương trình nặng, nhiều khi không phải thi tốt nghiệp... là một trong những lý do dẫn đến tình trạng 80% học sinh phổ thông ở ta cho biết “không thích học môn Sử”. Và kết quả là mấy năm gần đây, điểm thi môn Sử tại các kỳ thi thấp đến mức báo động. Sự cảnh báo tuy không mới nhưng tiếp tục gây lo lắng cho xã hội đã được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức tại Hà Nội, ngày 27-3.
Viết sách - dạy - học - kiểm tra: Không có điểm chung

Học sinh Trường THPT Trưng Vương tranh thủ ôn bài trước giờ học. Ảnh: MAI HẢI
Theo GS-NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLSVN), trong mấy năm gần đây, đặc biệt là trong kỳ tuyển sinh vào đại học và cao đẳng do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2007, kết quả quá thấp đã làm cả xã hội lo lắng về chất lượng môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông.
Cụ thể trong kỳ thi ĐH năm 2007, hơn 150.000 thí sinh có mức điểm từ 4,5 trở xuống, chiếm tỷ lệ tới 95,74% tổng số thí sinh thi khối C. Trong đó, có tới 5.908 thí sinh bị 0 điểm. So với các môn học khác, điểm số trung bình của môn Sử là 2,09/10, đứng hạng thấp nhất, so với điểm số trung bình của các môn thi (4,28) và so với tất cả các môn khác (môn Lý: 5,19; môn Hóa: 4,49; môn Văn: 4,41…).
Về điều này, GS-NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN khẳng định, kết quả dạy và học môn Lịch sử trong trường học phổ thông là quá yếu kém, nhưng cho tới lúc này việc giảng và học môn Lịch sử trong nhà trường vẫn chưa được đặt đúng vị trí. Việc coi Lịch sử chỉ là môn phụ, việc quy định năm thi, năm không thi môn Sử trong chương trình tốt nghiệp phổ thông, việc cắt xén chương trình và dạy dồn giờ để dành thời gian cho những “môn chính” để thi ĐH cũng góp phần làm cho HS coi nhẹ môn học này.
Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên viên Sở GD-ĐT Nghệ An phân tích: “Tình trạng HS không thiết tha với môn học này là do 4 yếu tố quan trọng trong quá trình viết sách - dạy - học - kiểm tra đã không gặp nhau ở một điểm chung. Người viết sách chưa khắc phục được những bất cập về nội dung sách giáo khoa, người dạy đa phần chỉ truyền tải hết kiến thức trong sách là xem như đã hoàn thành nhiệm vụ, trong khi người học thì chỉ nặng về tâm lý học đối phó còn người ra đề thì chỉ chú ý đến việc kiểm tra “độ nhớ”.
Biên soạn sách giáo khoa môn Sử: Phiến diện
Để minh chứng cho việc sách giáo khoa Lịch sử quá khô khan, TS Hà Minh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH-NV ĐH Quốc gia TPHCM lấy ví dụ: “Bài 19 sách Lịch sử và Địa lý lớp 5 viết về việc nước nhà bị chia cắt: “Mỹ tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Trong thời gian Pháp rút quân, Mỹ dần dần thay chân Pháp xâm lược VN, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, lập ra chính quyền tay sai”. Chắc không khó nhận ra đây là đoạn văn lịch sử hay chính trị. Liệu cậu bé lớp 5 có thích đọc đoạn văn này hay không? Và cậu bé ấy phải học thuộc lòng đoạn văn này để làm gì khi điều chúng ta cần ở nó là tình cảm lịch sử được hình thành chứ không phải nỗi căm thù với Mỹ, Pháp hay Ngô Đình Diệm”.
TS Phạm Xanh - khoa Lịch sử – ĐH KHXH-NV ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Những cuốn sách giáo khoa Lịch sử ở phổ thông đang được biên soạn hết sức phiến diện. Nếu chúng ta xem lịch sử như một con sông lớn được tạo thành bởi những chi lưu khác nhau thì 3 chi lưu quan trọng nhất sẽ là kinh tế, chính trị và văn hóa. Vậy mà trong sách giáo khoa, 2 nội dung quan trọng là chính trị và văn hóa được đề cập hết sức mờ nhạt”. TS Phạm Xanh còn đề xuất phải có một cuộc cách mạng đột phá trong việc viết lại sách giáo khoa Lịch sử phổ thông.
Phần đông các ý kiến phát biểu đều nên lên thực trạng: môn Sử không được coi trọng do tâm lý “không biết Sử cũng chẳng chết ai” tồn tại từ khá lâu trong xã hội. Bởi vậy, việc đầu tiên và quan trọng hơn là cần phải có một tư duy khác khi nhìn nhận về việc dạy và học Sử, phải ý thức được đó là môn học có tầm quan trọng tối thượng đến việc hình thành nhân cách của mỗi một con người.
Đinh Lan – Mai An