Dấu ấn và sự thích ứng

Nỗ lực tổ chức Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 22 tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là thử thách không nhỏ. Việc này cũng đồng thời cho thấy sự háo hức, khao khát “bình thường mới” của những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và khán giả phim Việt.

Không có thảm đỏ với sự xuất hiện của các nghệ sĩ Việt tên tuổi. Không có những hội thảo chuyên ngành nơi các chuyên gia, người làm nghề cùng nhau bàn luận các vấn đề của điện ảnh Việt. Không khí LHP cũng kém đi phần sôi động bởi thời gian ngắn hơn, lại thiếu vắng nhiều chương trình giao lưu, phục vụ cộng đồng. Đại biểu tham dự đều được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Chừng đó yếu tố làm nên một kỳ LHP đặc biệt nhất trong quá trình hình thành và phát triển.

Dấu ấn mảnh đất cố đô tạo nét độc đáo so với những kỳ tổ chức ở các địa phương trước đây. Hình ảnh các khách mời đều diện áo dài truyền thống trong lễ khai mạc mang đúng tinh thần LHP: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”.

Con số 127 phim tham dự, trong đó 92 phim dự thi ở 4 hạng mục: phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình tăng đáng kể so với LHP lần thứ 21 (104 phim tham dự, 74 phim tranh giải) cho thấy nỗ lực thích ứng của các nhà làm phim. Không chỉ tăng về số lượng, theo đánh giá của ban giám khảo, chất lượng phim các hạng mục có nhiều cải thiện. Sự phong phú về thể loại, đề tài cũng như các đơn vị tham gia sản xuất là tín hiệu đáng mừng.

Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam hay Công ty TNHH MTV Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương năm nay không còn chiếm thế độc quyền ở các hạng mục dành cho phim hoạt hình, tài liệu, khoa học. Riêng ở mảng phim tài liệu, các vấn đề thời sự xã hội, đặc biệt liên quan đến đại dịch Covid-19 trở thành chủ đề của nhiều tác phẩm, cho thấy hơi thở đương đại đậm nét. Hạng mục phim truyện điện ảnh, 17 phim tranh giải lần này được chia thành 3 nhóm rất rõ rệt gồm: phim của các đơn vị sản xuất nhà nước; phim thương mại của đơn vị tư nhân và các phim Việt gây tiếng vang ở nhiều giải thưởng quốc tế. Hạng mục này cũng có thêm 2 giải thưởng mới: Kỹ xảo xuất sắc và Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc. Sự cân bằng, đa dạng này là điều cần thiết với một LHP, khiến cuộc cạnh tranh thêm phần hấp dẫn.

LHP Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức vừa cho thấy nỗ lực của đơn vị quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, đồng thời cũng nằm trong chiến lược xây dựng LHP trở thành thương hiệu quốc gia. Nó cũng là sự kế thừa, học hỏi kinh nghiệm mô hình tổ chức của các LHP trên thế giới khi kết hợp trực tiếp và trực tuyến (năm nay có 71 phim chiếu trực tuyến trên VTV Go). Điều đó vừa là yêu cầu tự thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Với một nền điện ảnh đang trên đà phát triển nhanh nhưng chững lại vì ảnh hưởng dịch bệnh, LHP lần này giống như liều “vaccine tinh thần” cho cả những người làm nghề lẫn khán giả. Ở phương diện người làm nghề, được xuất hiện tại sự kiện và được tôn vinh là sự khích lệ lớn. Trong khi đó, khán giả không chỉ tại TP Huế có cơ hội tiếp cận dễ dàng với rất nhiều tác phẩm chất lượng. Xét cho cùng, đích đến cuối cùng của điện ảnh là phục vụ nhu cầu khán giả. Và LHP lần này đã thay đổi thức thời.

Điều đặc biệt hơn, LHP Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức cùng thời điểm rạp chiếu phim tại TPHCM - thị trường chiếm thị phần lớn nhất cả nước vừa được mở cửa trở lại sau 6 tháng tạm ngưng để phòng chống dịch. Với 2 tin vui liên tiếp, khán giả mong đợi nhiều bộ phim tham gia LHP lần này sẽ sớm được phát hành rộng rãi tại các rạp chiếu. Thành công của LHP có thể xem là tín hiệu “mở đường” góp phần củng cố niềm tin của giới làm phim và khán giả cũng như tạo tiền đề thuận lợi cho sự hồi phục của thị trường.

Tin cùng chuyên mục