Đầu tư chương trình truyền hình

Vài năm gần đây, đường dây nóng Báo SGGP thường xuyên nhận được ý kiến của người dân ở nhiều địa phương than phiền về việc không ít chương trình truyền hình địa phương trong nước có nội dung hời hợt, dễ dãi, chỉ đáp ứng giải trí theo thị hiếu tầm thường, thiếu sự định hướng và tính giáo dục cho lớp trẻ.

Vài năm gần đây, đường dây nóng Báo SGGP thường xuyên nhận được ý kiến của người dân ở nhiều địa phương than phiền về việc không ít chương trình truyền hình địa phương trong nước có nội dung hời hợt, dễ dãi, chỉ đáp ứng giải trí theo thị hiếu tầm thường, thiếu sự định hướng và tính giáo dục cho lớp trẻ.

Không ít phụ huynh băn khoăn khi hầu hết các chương trình truyền hình dành cho lứa tuổi thiếu nhi rất nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là múa hát và phim hoạt hình của nước ngoài, rất hiếm hoi những chương trình chú trọng hiệu quả giáo dục nhân cách, bồi dưỡng kỹ năng sống - văn hóa giao tiếp, rèn năng khiếu, tư vấn tâm lý và cung cấp kiến thức cho trẻ. Chính vì vậy nhiều phụ huynh than rằng quá khó tìm ra món ăn tinh thần bổ ích cho con em mình.

Đó là một thực tế đáng lo ngại. Lớp trẻ đang sống và lớn lên trong bối cảnh có nhiều hiện tượng xã hội không lành mạnh, phụ huynh phải gian nan ngăn chặn, tránh cho con trẻ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu ngoài đường hay bị quyến rũ bởi game online và những thông tin giải trí nhảm nhí trên mạng. Trong khi đó, phụ huynh lại còn phải sàng lọc cả chương trình truyền hình, vì e ngại con trẻ tiếp thu không chọn lọc khiến phát triển méo mó về nhận thức, phong cách sống, sở thích và thị hiếu thẩm mỹ.

Mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một đài truyền hình, do vậy người dân có rất nhiều chương trình truyền hình để xem. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, thiếu nhân sự giỏi, cạnh tranh gay gắt, nhiều đài truyền hình chỉ làm thông tin thời sự, còn lại chỉ lấp đầy bằng cách chiếu phim truyền hình nhiều tập và phát quảng cáo ăn theo thời lượng chiếu phim, thậm chí phát lại những đĩa phim hài chọc cười rẻ tiền đang tràn lan ngoài thị trường. Nhiều chương trình truyền hình thực tế vô bổ, thu hút khán giả và thu hút quảng cáo bằng tiểu xảo phát ngôn gây sốc, dựng chuyện cãi nhau loạn xạ, thậm chí tạo scandal tai tiếng để lừa khán giả. Tình trạng hụt hơi, không đủ tầm và không đủ tâm huyết ở không ít đài truyền hình địa phương đã bộc lộ qua việc hiếm các chương trình tự sản xuất có chất lượng tốt.

Thực trạng đó đã được dư luận xã hội, dư luận báo chí và chính Bộ Thông tin - Truyền thông lưu ý, đòi hỏi sự nghiêm túc khắc phục, chấn chỉnh từ phía các đài truyền hình. Cũng đã có những biện pháp tạo ra được chuyển biến, đáng chú ý nhất là Nghị định 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21-5-2010 có nội dung yêu cầu thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% tổng số thời lượng phát sóng phim, và phim truyện Việt Nam phải được phát sóng vào khoảng thời gian từ 20 giờ đến 22 giờ trong ngày, đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sản xuất phim truyền hình. Tuy vậy, các đài truyền hình vẫn còn thiếu những kịch bản phim hay, phản ánh được chân thực đời sống xã hội; khâu thẩm định dễ dãi nên nhiều phim truyền hình vẫn còn nhạt nhẽo, đuối sức.

Cùng với các ý kiến băn khoăn về chất lượng chương trình truyền hình, người dân ở nhiều địa phương cũng đã góp ý các giải pháp cần thực hiện để thoát khỏi tình trạng có quá nhiều kênh truyền hình trong nước nhưng hiếm chương trình hay và bổ ích. Theo quy hoạch phát thanh truyền hình đến năm 2020, trên truyền hình, các chương trình nội dung tự sản xuất, sản xuất trong nước phải chiếm từ 70% thời lượng trở lên; các chương trình giải trí, chương trình chính luận thời sự phải thực sự cân đối, thay vì chiếu phim nước ngoài như hiện nay; các chương trình truyền hình liên kết phải có sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung, thời lượng quảng cáo. Yêu cầu như vậy là cần thiết, song đi kèm với yêu cầu đó, cần có cơ chế vừa ràng buộc vừa tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đài truyền hình tăng thời lượng chương trình tự sản xuất và phát huy các chương trình có thế mạnh. Việc đầu tư chiều sâu cho các chương trình truyền hình bảo đảm sự định hướng và tính giáo dục cho lớp trẻ nên có sự tham gia góp sức của nhiều ngành chức năng và các đoàn thể liên quan, chứ không phải để các đài truyền hình địa phương phải tự bươn chải thực hiện xã hội hóa bằng cách thả nổi cho các nhà tài trợ, quảng cáo.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục