Một học sinh lớp 9 (huyện Củ Chi, TPHCM) uống thuốc diệt cỏ tự tử chỉ vì làm mất hơn 600.000 đồng tiền quỹ của lớp, sợ bạn bè cười chê và bố mẹ rầy la. Chuyện hai thanh niên đâm chém nhau làm một người chết chỉ vì tiếng nẹt pô xe máy (Gò Vấp, TPHCM) hay do không bằng lòng với cách dạy của cô giáo, một học sinh lớp 11 (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã dùng dao lam cắt đứt gân cổ tay… khiến báo chí và các trang mạng “nóng” lên những ngày gần đây.
Mỗi khi có trường hợp học sinh hay người trẻ nào tìm đến cái chết, mọi người lại bàn nhau về chuyện cần trang bị thêm kỹ năng sống cho học sinh, cho giới trẻ. Ngày nay, nhiều người trẻ có kiến thức, được tiếp xúc với cái mới nhưng lại lúng túng, xử lý thái quá trước những tình huống thông thường như bị la mắng, bị chê, bị thầy cô giáo phạt, bị bắt nạt... Lúc bế tắc, nhiều trường hợp thậm chí chọn cách tiêu cực nhất - tự sát.
Trước thực trạng đó, nhu cầu học các kỹ năng, dạy ứng phó trước mọi tình huống trong cuộc sống cho giới trẻ được cả gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm nhiều. Thậm chí Bộ GD-ĐT cũng vào cuộc, đưa chương trình dạy kỹ năng sống vào trường học cho học sinh. Tuy nhiên tất cả mới dừng lại ở chủ trương “phải dạy kỹ năng cho học sinh”, nhưng dạy cái gì và như thế nào thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cạnh đó, các trung tâm, các khóa huấn luyện “ăn theo” ào ạt xuất hiện, phát triển rầm rộ và được kinh doanh vô tội vạ bởi những đơn vị không thuộc ngành giáo dục. Nhiều giáo trình dạy hiện nay được lấy từ các sách dạy kỹ năng của nước ngoài, có người còn nhầm lẫn, đánh đồng dạy kỹ năng sống là dạy đạo đức.
Học kỹ năng sống cũng giống như học bơi. Muốn bơi được thì phải xuống nước tập, chứ không thể học theo kiểu đứng trên bờ nhìn. Học kỹ năng sống cũng vậy, phải có những môi trường hoạt động cụ thể, trải nghiệm thực tế chứ không từ những bài giảng khô cứng, đóng khung “chết” trong những trang lý thuyết khô khan. Các khóa học một vài ngày cũng chỉ có thể thay đổi suy nghĩ, nhận thức. Còn dạy kỹ năng sống phải giáo dục lâu dài để trở thành phản xạ, thói quen chứ không phải làm để cho có, theo phong trào.
SƠN TRÀ