Ngày 1-7, tại buổi tọa đàm “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông” do UBND TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM phối hợp Bộ Công thương tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa doanh nghiệp (DN) tiếp cận gần hơn và hiệu quả hơn với các thị trường xuất khẩu nói chung và châu Âu (EU) nói riêng. Với doanh nghiệp ở TPHCM, EU (gồm 27 nước) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Việc tiếp cận thị trường EU cũng như nắm bắt, chuyển đổi kế hoạch sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, rào cản kỹ thuật… vốn rất quen thuộc với DN TPHCM. Và cùng với EVFTA, cơ hội tham gia vào thị trường này của DN TPHCM nói riêng và DN cả nước nói chung trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
TPHCM hiện có gần 300.000 DN hoạt động, trong số đó, có 90% DN nhỏ và vừa. Xét riêng DN tham gia xuất khẩu, TPHCM hiện có 20.000 DN. Trước đó, để có thể hỗ trợ DN thuận lợi tiếp cận thị trường này, nhất là khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, TP đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về những thuận lợi, cơ hội, thách thức mà hiệp định này mang lại. Nhiều hội thảo chuyên đề đã được tổ chức. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã ít nhất 5 hội thảo phổ biến về chuyên đề EVFTA. Các DN vốn quen thị trường này nên việc nắm bắt thông tin cũng rất nhanh.
TPHCM còn tập trung gia tăng nội lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu bằng nhiều giải pháp, như ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị; triển khai liên kết với các tỉnh thành để tạo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Từ đó, cộng hưởng nội lực, giúp DN sản xuất, xuất khẩu hàng hóa ổn định vào thị trường EU. TPHCM cũng đang đẩy nhanh triển khai đề án phát triển ngành logistics để làm “bệ đỡ” cung cấp chuỗi dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, giúp DN giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tại tọa đàm, phân tích về tiềm năng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết, từ ngày 1-7, EU chính thức mở lại thị trường xuất khẩu cho hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện Việt Nam cũng đang được xếp vị trí 11 trong số các nước xuất khẩu lớn vào EU.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, dù các nước EU gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này vẫn tăng, nhất là nông lâm thủy sản. 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,4%.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU sẽ là nền tảng niềm tin để đưa hàng Việt vươn ra nhiều thị trường thế giới. Tuy nhiên, các DN muốn gia nhập vào thị trường này cần phải chủ động nắm bắt rõ, chi tiết những rào cản kỹ thuật ở từng thị trường xuất khẩu là gì, những chính sách ưu đãi nào có thể tận dụng.
Quan trọng hơn, phải nâng cao năng lực sản xuất nội tại. Do vậy, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp nhận, Bộ Công thương mong muốn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đơn vị truyền thông để kịp thời đưa thông tin thị trường đến với DN. Ở chiều ngược lại, những phản ánh từ đơn vị truyền thông cũng sẽ giúp Bộ Công thương nói riêng và cơ quan chức năng nói chung có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời, góp phần tháo gỡ nhanh, hiệu quả khó khăn mà DN gặp phải.