Để bảo tàng không… tàn

Bảo tàng “ảo”, một khái niệm không xa lạ gì trong thời buổi công nghệ số, tuy nhiên nhiều bảo tàng hiện nay vẫn còn rất thụ động, thậm chí “bỏ quên” việc xây dựng website. Website nhiều nơi không nhiều thông tin, một vài nơi còn hiện tin tức từ năm 2018, thậm chí vài chỗ bỏ trắng… là tình trạng chung của nhiều website bảo tàng hiện nay. 
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thiếu sức hút bởi nội dung trưng bày cũ kỹ, chưa thể hiện đúng tầm vóc, giá trị của lịch sử của dân tộc
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thiếu sức hút bởi nội dung trưng bày cũ kỹ, chưa thể hiện đúng tầm vóc, giá trị của lịch sử của dân tộc

Tại TPHCM, địa phương có số bảo tàng nhiều nhất nhì trong cả nước, nhưng bảo tàng “ảo” vẫn chưa thực sự được đầu tư bài bản. Hiện chỉ có Bảo tàng Lịch sử TPHCM đang triển khai thử nghiệm “kho mở trực tuyến”, giới thiệu một số hiện vật chọn lọc trong “Sưu tập Victor Thomas Holbé”.

Vấn đề số hóa bảo tàng trên thế giới đã có từ lâu và tại Việt Nam từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiên phong trong việc xây dựng bảo tàng “ảo”. Trên website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (baotanglichsu.vn) người xem chỉ cần click vào mục “Tham quan 3D” sẽ được trải nghiệm những chủ đề trưng bày tại bảo tàng, với những ứng dụng công nghệ hỗ trợ người dùng tối đa, mang lại cảm giác gần với tham quan thực tế nhất. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, việc “Tham quan 3D” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng chỉ có 7 chủ đề được đưa vào số hóa.

Những bảo tàng có lượng khách tham quan hàng đầu như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM) cũng gần như bỏ lửng việc đầu tư website. Trang web Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có kha khá hình ảnh thể hiện các bộ sưu tập hiện vật, tuy nhiên lần cập nhật cuối cùng là vào tháng 6-2018. Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, bảo tàng đầu tiên ở TPHCM ứng dụng công nghệ hologram vào phòng trưng bày, nhưng website bảo tàng hiện tại khá chán, giao diện cũ và nhiều chỗ bỏ trống không có nội dung trình bày.

Bảo tàng vốn là một lĩnh vực khá trầm lặng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhưng công chúng vẫn có nhu cầu và có một lượng khách riêng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nơi trên thế giới đầu tư vào các bảo tàng, bởi đó là nơi thể hiện nét văn hóa, lịch sử của một vùng đất hay xa hơn là cả một quốc gia.

Trong xu thế hiện nay, bảo tàng “ảo” không chỉ là giải pháp để kết nối khách tham quan/nghiên cứu với bảo tàng trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch và hạn chế đi lại, mà còn là xu hướng phát triển, để bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu trực tuyến. Tuy nhiên, giải quyết được vấn đề bảo tàng “ảo” hiện nay không phải là bài toán dễ dàng. Kinh phí là tất yếu trong chuyện đầu tư, tuy nhiên để số hóa cổ vật, hiện vật trưng bày và đưa lên website thì kinh phí thôi chưa đủ mà cần phải có giải pháp công nghệ thích hợp. Đặc biệt, việc chọn công nghệ trình bày là một vấn đề cần lưu ý hàng đầu, bởi sau màn hình, qua những cú click chuột, khách tham quan phải cảm nhận được chân thật nhất có thể về các hiện vật, kể cả vết trầy, vết nứt… 

Bảo tàng tìm hướng đi mới để thích nghi với tình hình dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu thưởng thức hiện đại của khách tham quan. Và quan trọng không kém chính là nhân lực. Bảo tàng lưu giữ cổ vật nhưng đội ngũ nhân sự phải tiếp thu và nắm bắt nhanh xu hướng công nghệ thì bảo tàng mới đến gần hơn với công chúng.

Tin cùng chuyên mục