Trong 3 ngày 11, 12 và 13-6-2009, các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là hoạt động đã trở thành điểm nhấn của các kỳ họp Quốc hội nhiều kỳ gần đây, được cử tri cả nước quan tâm nhiều nhất. Hầu hết lĩnh vực “nóng”, có nhiều vấn đề cần được giải quyết và nhận được nhiều bức xúc của cử tri đã được đưa ra chất vấn lần này như GD-ĐT, LĐTB-XH, NN-PTNT, TN-MT, KH-ĐT…
Nhưng khi chất vấn đã trở thành hoạt động thường xuyên thì có thể thấy giờ đây cử tri không chỉ quan tâm ở vấn đề được giải quyết như thế nào mà còn muốn thấy vấn đề gì được đưa ra, muốn xem các đại biểu đại diện cho dân chất vấn điều gì trước sự theo dõi của cử tri cả nước.
Theo dõi nhiều kỳ chất vấn tại Quốc hội, cử tri đã quen với việc khá nhiều đại biểu bức xúc, đó là việc các thành viên Chính phủ… trả nợ các lời hứa của kỳ họp trước đến đâu. Có những vấn đề được đưa ra chất vấn nhiều lần như xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, chính sách an sinh xã hội, thu hút nhân tài, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vấn đề y đức… nhưng rồi kỳ họp sau vẫn được xem là “nóng” như kỳ họp trước.
Một phần, để giải quyết rốt ráo thì cần phải có thời gian, nhưng việc có khá nhiều vấn đề dắt dây qua nhiều kỳ họp cũng cho thấy cách thức cũng như nội dung chất vấn của các đại biểu chưa thật sự “nóng”.
Phải nhìn nhận rằng, chất vấn không phải để giải quyết được ngay vấn đề bởi việc này có cả bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương thực hiện. Chất vấn là nhằm làm sáng tỏ và đưa ra hướng giải quyết một vấn đề nổi cộm nào đó mà dư luận cả nước đang quan tâm, có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, với trọng trách của mình, cử tri mong các đại biểu nắm bắt chính xác thông tin từ phía người dân, xác định vấn đề trọng tâm để đề xuất được đưa ra chất vấn.
Tại phiên chất vấn kỳ này, đó có thể là vấn đề đổi mới học phí liên quan đến hàng triệu sinh viên học sinh cả nước, là cơ chế xuất khẩu gạo luôn là mối bận tâm của hàng triệu nông dân, là vấn đề giá sữa Việt Nam đắt nhất thế giới, thuốc lá ở Việt Nam rẻ nhất thế giới có ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình…
Khi những vấn đề “nóng” này được đưa ra chất vấn, người dân sẽ biết được quan điểm đặt vấn đề của các đại biểu đại diện cho dân, các bộ ngành có liên quan sẽ trình bày kế hoạch giải quyết như thế nào khi có sự phản biện…
Muốn như vậy, nhiều cử tri cho rằng có thể không cần thiết phải có quá nhiều lĩnh vực được đưa ra chất vấn, để rồi lãnh đạo các bộ ngành phải “chia” nhau thời gian. Không nên để vấn đề thực sự nóng, có nhiều đại biểu muốn tham gia chất vấn, làm sáng tỏ tại chỗ thì không đủ thời gian, trong khi một số lĩnh vực khác có thể chỉ trả lời câu hỏi đại biểu bằng văn bản là đủ.
Không nên để lãng phí các buổi chất vấn khi đại biểu thì hỏi theo cách “cầm văn bản đọc”, Bộ trưởng trả lời khá “nhàn nhã” vì các câu hỏi ít tính chất vấn.
Vì vậy, tại các phiên chất vấn, vai trò của các đại biểu - người chất vấn, không thể kém hơn vai trò của người trả lời.
Hoàng Mai