Để có thêm nhiều hành động tử tế

HUỲNH THANH LUÂN

Trong dòng thông tin ảm đạm về sự cố sà lan chở cát đụng sập cầu Ghềnh, vẫn có một điểm sáng, là chuyện ông Huỳnh Ngọc Sơn (53 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) ngay khi thấy cầu sập đã lo lắng đoàn tàu hỏa sắp lao đến sẽ gặp hiểm họa, nên vội vàng chạy về hướng gác chắn báo tin, ra hiệu cho các nhân viên trực gác kịp thời dừng tàu khẩn cấp. Nhờ vậy, người lái tàu hỏa đã hãm phanh, dừng đoàn tàu khi chỉ còn cách nơi cầu sập 200m.

Các nhân viên trạm gác chắn cho biết, việc kịp thời dừng tàu là nhờ tin báo của ông Sơn, nếu chỉ muộn thêm 5 giây nữa thôi là cả đoàn tàu sẽ lao xuống sông và hậu quả vụ sập cầu Ghềnh sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Khi 3 nhân viên gác chắn được Công đoàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thưởng nóng, ông Sơn là người có công đầu nhưng chưa được khen thưởng, vậy mà ông cũng không đòi hỏi. Ông nói về việc làm hào hiệp của mình: “Đó là việc bình thường, ai cũng phải làm mà! Khi sự cố xảy ra, tôi muốn báo cho nhân viên gác chắn càng nhanh càng tốt để họ có phương án xử lý. Tôi không quan tâm đến việc được khen thưởng”.

Những lời mộc mạc của ông Sơn chứa đựng một thông điệp rất có ý nghĩa và cảm động: Sống trong xã hội, ai cũng nên có tấm lòng và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, không so đo toan tính hay chần chừ làm điều mình biết rằng nên làm cho cuộc đời.

Trong nhiều năm qua, trên đất nước ta có hàng triệu con người đã sống và hành động với tấm lòng và ý thức trách nhiệm như vậy. Đó là những người đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế, trực tiếp tham gia đấu tranh chống tội phạm, dũng cảm cứu người... Ngày nay, việc sống và hành động có tấm lòng và ý thức trách nhiệm với cộng đồng vẫn có thể thể hiện qua những việc nhỏ, thầm lặng, gọi đơn giản là hành động tử tế. Cùng với câu chuyện ông Huỳnh Ngọc Sơn kịp thời cứu đoàn tàu nêu trên, còn có rất nhiều câu chuyện tử tế khác. Có cán bộ hưu trí tận tụy nhiều năm đến từng nghĩa trang liệt sĩ tìm những phần mộ chưa có người thân nhận, rồi tìm cách liên lạc cho gia đình liệt sĩ biết tin. Có tiểu thương hàng tháng gửi gạo cho UBND phường để giúp hộ nghèo. Có doanh nhân tự bỏ tiền xây hàng chục cầu nông thôn giúp người dân vùng sâu vùng xa đi lại thuận tiện. Có học sinh nhiều năm chở bạn bị khuyết tật đi học...

Tuy nhiên, cũng đã có những người tử tế dũng cảm chống tội phạm, cứu người bị nạn rồi gặp phải nhiều hệ lụy, thậm chí phải hy sinh tính mạng. Vì vậy, có một thực tế đau lòng ở nước ta: Bên cạnh những người tử tế, cũng có rất nhiều người chọn cách ứng xử thờ ơ, vô cảm khi thấy có người bị nạn. Thấy phụ nữ hay trẻ em bị những kẻ vũ phu đánh đập tàn nhẫn ngoài đường, người ta xúm lại xem, nhưng không ai lên tiếng hay nhảy vào can ngăn. Thấy người bị cướp, người ta làm ngơ, không can thiệp. Thấy người bị tai nạn giao thông nằm bất tỉnh trên đường, người ta xúm lại xem, nhưng không ai giúp đưa nạn nhân đi cấp cứu. Thực trạng đó cho thấy môi trường xã hội, ý thức trách nhiệm với công đồng và thế trận đấu tranh chưa tạo đủ động lực mạnh mẽ trấn áp cái ác, cái xấu. 

Vấn đề đặt ra là cần phải tăng cường giáo dục ở nhà trường và tuyên truyền trong cộng đồng về tinh thần nhân ái, trách nhiệm giúp đỡ người bị nạn, và về cách sơ cấp cứu khi thấy người bị tai nạn, cách xử trí khi thấy người cần cứu giúp. Thấy người bị nạn mà không cứu không chỉ là vô nhân đạo, mà còn là phạm pháp. Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Vậy mà lâu nay rất nhiều người có hành vi phạm pháp như vậy lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng cần có các quy định rõ ràng, không để “người ngay mắc nạn” khi họ giúp đưa người bị nạn đến bệnh viện lại bị bệnh viện giữ lại, giam xe, để buộc phải thanh toán các chi phí cấp cứu người bị nạn, và còn bị công an rầy rà rất căng thẳng, mệt mỏi, để làm rõ họ có phải là người gây ra tai nạn. Song song đó, những người tử tế và những hành động tử tế phải được tuyên dương, ghi nhận, khen thưởng xứng đáng. Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ cả những người dân hy sinh khi tham gia chống tội phạm và dũng cảm cứu người cũng đủ điều kiện được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Vậy mà lâu nay nhiều trường hợp hào hiệp cứu người chết đuối rồi tử vong nhưng chưa được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Đừng để những người dũng cảm quên mình cứu người rồi bị bỏ quên, bởi đó là những người rất tử tế, rất hào hiệp, biết sống hết mình và hết lòng vì mọi người.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục