Chuyện học đang là một “điểm nóng”, trong đó học sử đang được quan tâm chú ý nhất. Bởi vậy, mới có chuyện trên một số tuyến đường ở TPHCM có các tấm banner giới thiệu vắn tắt tiểu sử của 46 nữ anh hùng, danh nhân đã được đặt cho tên đường trong thành phố.
Loại trừ một số vấn đề về mỹ quan, an toàn giao thông như trong bài “Quảng cáo hay tuyên truyền?” (báo SGGP số ra ngày 20-10) đây là một sáng kiến hay của TPHCM trong bối cảnh thế hệ trẻ thiếu hụt trầm trọng những kiến thức cơ bản về chiều sâu hơn 4.000 năm lịch sử đất nước. Và một câu hỏi đương nhiên đặt ra: Tại sao và lỗi tại ai? Tại sao một học sinh hiểu biết về triều đại nhà Thanh hay nhà Tần ở Trung Quốc còn nhiều hơn là về các vua Lê, vua Trần?
Tại sao các em có thể kể vanh vách từ ngày sinh tháng đẻ đến sở thích ăn mặc của các ngôi sao Pop – Rock phương Tây hoặc các minh tinh màn bạc Hàn Quốc trong khi lại “lộn” sử ta rằng… Bà Triệu có “họ hàng” với Hai Bà Trưng? Những chuyện cười ra nước mắt như thế có kể “sử” cả ngày cũng không hết và minh chứng rõ rệt nhất là trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua có tới hơn… 13.000 bài thi môn sử có số điểm từ 0 đến 1.
Chắc chắn lỗi đầu tiên thuộc về cách dạy và học môn lịch sử trong nhà trường, được chính Bộ GD-ĐT thừa nhận, là “không biết gợi hứng thú cho học sinh và chỉ biết đọc – chép – học thuộc lòng”. Và thật sự nhìn đâu cũng thấy bất cập: Sách giáo khoa thì đầy rẫy những con số quá khô khan, quá chi tiết và hình ảnh minh họa nhạt nhòa đến mức không xác định được… nhân vật thuộc thời nào. Thầy cô đứng lớp thì cũng… theo đúng sách đọc đều đều cho trò nghe trong 45 phút học.
Chính từ tư duy dạy cho học trò “biết” nhiều hơn “hiểu” đã khiến chúng ta “phức tạp hóa” cách truyền đạt kiến thức lịch sử. Và ít nhất một tấm banner có vài dòng cô đọng treo trên 10 con đường lớn của thành phố – thật sự làm chúng ta nghĩ đến cách “dân ta học sử ta” sao cho hiệu quả hơn nhiều năm đèn sách để cuối cùng “chữ thầy trả thầy”. Từ gợi mở này, chúng ta thấy rõ cần đổi mới một cách toàn diện việc dạy và học môn sử theo phương châm ngắn gọn, dễ hiểu, càng đơn giản càng dễ đi vào lòng người.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta cần phát triển toàn diện, đầu tư đúng mức cho một số hoạt động văn học nghệ thuật để tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử học, nhất là mảng điện ảnh và sân khấu – những lãnh vực dễ làm người dân “hiểu và biết” hơn về lịch sử và văn hóa dân tộc. Và việc TPHCM treo 610 banner về các nữ danh nhân trên đường phố là bước đi đầu tiên của việc toàn dân học sử ta – bước đi hết sức có ý nghĩa trong thời buổi “hòa nhập chứ không hòa tan”. Vấn đề đáng nói nhất là chuyện học sử, tuyên truyền về lịch sử phải được làm căn bản, có chiến lược và bước đi cụ thể, làm từ nhiều cấp, nhiều bậc học, nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực và liên tục chứ không phải làm theo phong trào, chắp vá hoặc chỉ vì những cái lợi trước mắt.
BÍCH AN