Kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 – 29-4-2008)

Để giữ vững Trường Sa bất tử

Những “mối tình” với biển, đảo
Để giữ vững Trường Sa bất tử

Tôi đã gặp họ - những người lính trẻ, gắn bó với quần đảo Trường Sa, những gương mặt sạm đen vì nắng và gió biển, trung thành với một tình yêu son sắt: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Những “mối tình” với biển, đảo

Đảng viên trẻ - Trung sĩ Trần Xuân Thức, quê ở Thái Bình, rắn rỏi hơn nhiều so với tuổi 26. Ngay khi nhập ngũ, anh đã tình nguyện làm lính Trường Sa, bởi theo anh: “Đi lính mà không biết Trường Sa là chưa đủ!”. Và anh khẳng định: “Được đến Trường Sa là một vinh dự của người lính”. Đã 3 cái tết, anh không về quê mà tình nguyện ở lại đảo chìm Đá Lát cùng đồng đội. Sợi dây liên lạc với người mẹ nơi quê nhà chính là những bức thư từ biển xa gửi về…

Để giữ vững Trường Sa bất tử ảnh 1

Rám nắng, tràn đầy sinh lực là hình ảnh các anh lính trẻ trên đảo chìm Tốc Tan.

27 tuổi, 6 năm công tác ở Trường Sa, hết ở đảo Thuyền Chài, Sinh Tồn, nay là Đá Tây, Chuẩn úy Tưởng Nguyên Soái (quê Quảng Bình) kể: “Hình như đó là “mối tình” của mình với biển đảo vậy”. Với anh, cả 3 lần sau khi về phép, anh đều tiếp tục viết đơn tình nguyện trở lại Trường Sa.

Từ Trường Sa Lớn, Thượng úy Lương Hồng Tuyển được anh em gọi vui là “nhà Trường Sa học” bởi anh đã từng đi hết cả 33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Anh nói chắc như bắp: “Tôi vẫn tiếp tục chọn đi đảo khi hết thời gian công tác tại đây!” Ở đây, ai ai cũng cảm phục tinh thần Trung úy Hà Như Lập, quê ở Bắc Ninh, vì đặc thù công tác nên khi cả bố mẹ qua đời, anh đều không thể bỏ công tác về chịu tang được.

Không gì có thể diễn tả được sự sung sướng của anh lính trẻ Dương Ngọc Quý, 19 tuổi, quê ở Nam Định - người 5 lần viết đơn tự nguyện xin ra đảo, khi lần đầu tiên được đứng trên đảo Phan Vinh. Quý tâm sự: “Thật tự hào khi được canh gác ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, đứng trên hòn đảo mang tên người anh hùng, thuyền trưởng tàu không số của Hải quân Việt Nam - Phan Vinh…”

Tất cả những chiến sĩ trẻ từ Trường Sa Lớn đến Tốc Tan mà tôi từng gặp, ai ai cũng đều công nhận mình có một “mối tình” sắt son với Trường Sa. Ngoài niềm vinh dự, đó còn là trách nhiệm của mỗi người lính trẻ nơi đầu sóng ngọn gió.

Blouse trắng giữa biển Đông

Một ca cấp cứu phức tạp vừa được ngư dân trên tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi chuyển về Trạm xá đảo Trường Sa Lớn. Bệnh nhân tên là Bùi Trận bị trụy tim mạch và hôn mê sâu. Ca trực cấp cứu gồm Thiếu tá bác sĩ Lê Ngọc Quang và Hạ sĩ y tá Vũ Mạnh Toàn. Bằng những động tác cấp cứu thành thục, ca trực đã cứu sống bệnh nhân…

Từ đảo Phan Vinh, tin vui truyền tới: các bác sĩ trên đảo cũng đã kịp thời cứu sống bệnh nhân Nguyễn Nhị ở Quảng Ngãi bị cá kìm đâm vào cổ làm liệt toàn thân và mổ ruột thừa cấp cứu cho anh Dương Văn Tuấn, thuyền viên trên tàu đánh cá của Bộ Thủy sản…

Được Ban giám đốc Quân y viện 175 phân công về công tác tại Trường Sa Lớn, hành trang mà bác sĩ Lê Ngọc Quang cùng với những đồng nghiệp của mình đem đến đảo là những bịch hạt giống cây thuốc nam trị bệnh. Những ngày đầu khi đặt chân đến đảo, nỗi nhớ người thân, bạn bè đã được các anh hóa giải trong công việc hàng ngày, trong việc ươm mầm những cây thuốc quý. Những ca cấp cứu được chuyển tới đều được các bác sĩ - y tá tận tình cứu chữa. Bác sĩ Lê Ngọc Quang nhớ mãi trường hợp của anh Lê Hồng Phương, một bệnh nhân được chuyển về từ đảo Đá Tây. Đó là một ca tắc ruột sau khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Bệnh nhân tím tái, hôn mê do di chuyển quá lâu trong điều kiện biển động. Bác sĩ Quang đã cùng kíp trực của mình thức trắng đêm để mổ cấp cứu và chăm sóc cho bệnh nhân. Đến 4 giờ sáng, mạch bệnh nhân đã trở lại bình thường, sắc hồng hào đã trở lại.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”

Buổi chiều trên Trường Sa Lớn. Tiếng reo hò trên những sân bóng chuyền rộn ràng khắp nơi. Đội thắng vui, đội thua cũng hồ hởi…

Binh nhất Cao Ngọc Ánh thuộc trạm Radar 11, Quân chủng Phòng không Không quân, hồ hởi: “Em ra đây được mấy tháng rồi, mấy ngày đầu nằm bẹp dí vì say sóng nhưng nay đã quen với sóng gió Trường Sa”. Cũng như Ánh, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Thanh mới “cập bến” gần 4 tháng nhưng đã thành “thổ địa”. Quê ở Đồng Nai, Thanh viết đơn tình nguyện xin ra đảo trong sự khâm phục của bạn bè đồng trang lứa.

Trên Tốc Tan, Đá Lát, phong trào hát karaoke cũng sôi động không kém. Dàn karaoke do Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tặng các đảo được bảo quản, lau chùi thường xuyên, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của các anh lính trẻ, giúp các chiến sĩ “gần” hơn với đất liền…

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương” là câu nói mà rất nhiều những chiến sĩ ở Trường Sa đã khẳng định với chúng tôi.

Thạch Thảo

Tin cùng chuyên mục