
Chính phủ vừa ban hành Dự thảo Nghị định quy định hoạt động thanh tra công vụ. Tại cuộc họp góp ý cho bản dự thảo nghị định trên do Thanh tra TPHCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của đại diện các sở ngành và quận huyện đã kiến nghị bổ sung một số nội dung để nghị định sớm hoàn chỉnh và ban hành thực hiện.
Mở rộng thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ
Theo Phó Chánh thanh tra TPHCM Hoàng Đức Long, mục 1 của nghị định nói về thẩm quyền thanh tra công vụ chưa xác định cụ thể các nhóm cán bộ, công chức (CBCC) thuộc thẩm quyền thanh tra công vụ. Cụ thể, tại Điều 8 của mục này nói về thẩm quyền của Thanh tra Bộ Nội vụ nêu: “Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CBCC thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ…”.
Quy định trên chưa bao gồm nhóm CBCC thuộc các ngành công an, quân đội, các cơ quan Đảng, đoàn thể… Nếu nghị định giao nhiệm vụ chủ trì thanh tra công vụ cho Bộ Nội vụ thì Thanh tra Bộ Nội vụ mới có thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ.
Tương tự, ở những ngành không có thanh tra cùng cấp như Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các ngành nội chính… thì thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ cũng chưa được xác định cụ thể là cấp nào, cơ quan thanh tra nào chịu trách nhiệm.
Ở cấp tỉnh thành và quận huyện cũng vậy, nhóm CBCC ở các ngành trên do không có cơ quan thanh tra cùng cấp, nên thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ cũng chưa được quy định cụ thể trong nghị định.
Bổ sung vào nội dung này, Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân TPHCM Phạm Văn Thành nêu lên thực tế, ở một số ngành có thanh tra cùng cấp, nhưng thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra lại không được xác định về thanh tra công vụ vì đây là cơ quan thanh tra hành chính.
Do vậy, ông Thành đề nghị cần mở rộng thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ ở tất cả các cơ quan thanh tra. Đối với những ngành không có cơ quan thanh tra cùng cấp, cần thiết phải phối hợp với các ngành khác để mở rộng thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ thông qua việc thành lập các đoàn thanh tra liên ngành.

Đề nghị nghị định cần có chương riêng quy định việc thanh tra công vụ đối với những ngành chưa có thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ. Nếu hoạt động này được mở rộng thì theo ông Thành, sẽ tạo được sự chuyển biến rất lớn về thực thi công vụ của CBCC trong các ngành thuế, tài chính, quản lý tài sản công và các cơ quan giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân – những lĩnh vực lâu nay bị phản ánh CBCC có nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bổ sung vào Điều 14 của nghị định, Phó Chánh thanh tra quận Bình Thạnh - bà Nguyễn Thị Lệ Hoa kiến nghị, cần cụ thể hóa việc thanh tra công vụ được thực hiện độc lập hay phối hợp đối với những ngành không có cơ quan thanh tra cùng cấp.
Bà Hoa đưa ra dẫn chứng, ở những lĩnh vực sử dụng kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và quản lý tài sản công, sai phạm về tài chính hiện nay rất lớn và khó quản lý. Nếu được phối hợp tốt về thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ, sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ của CBCC trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Tăng cường thanh tra công vụ đột xuất
Theo ông Huỳnh Thanh Triều, Phó phòng Thanh tra Văn xã-Nội chính Thanh tra TP, khoản 3 Điều 16 của nghị định quy định việc thanh tra công vụ được thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Trong khi đó, tại khoản 1 cũng chính của điều này, lại quy định việc thanh tra công vụ đột xuất được tiến hành khi phát hiện đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điều này cho thấy, 2 quy định trong cùng một điều đã thiếu thống nhất với nhau và khó thực hiện, vì không nói rõ được cấp nào ra quyết định thành lập đoàn thanh tra.
Do vậy, ông Triều đề nghị việc thành lập đoàn thanh tra theo chương trình, kế hoạch, hay đột xuất nên thống nhất để cho chánh thanh tra cùng cấp ra quyết định. Điều này không chỉ thể hiện tính thống nhất cao, mà còn nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra công vụ trong tình hình vi phạm pháp luật của một bộ phận CBCC đang có chiều hướng gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường TP, đề nghị nên mở rộng thẩm quyền và trách nhiệm thanh tra công vụ đột xuất ở những ngành và lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, các thủ tục về nhà đất… Khi phát hiện CBCC có dấu hiệu nhũng nhiễu, tiêu cực thì chánh thanh tra cùng cấp có quyền ra quyết định thanh tra công vụ đột xuất, không đợi đến người đứng đầu cơ quan hành chính ra quyết định thanh tra.
Ở những ngành không có thanh tra cùng cấp thì càng phải tăng cường thanh tra công vụ đột xuất. Ngoài thanh tra theo chương trình, kế hoạch, khi cần thì bất kể lúc nào và không giới hạn phạm vi, lĩnh vực thanh tra.
Muốn thực hiện được yêu cầu này, nghị định cần quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan thanh tra trong việc ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra liên ngành. Phải có cơ chế riêng để các đoàn thanh tra này hoạt động thường xuyên và thống nhất cao.
HOÀI NAM