Để hội nhập thành công

Ngày 5-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 06 là nhằm thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Chủ trương, chính sách đáng chú ý được nghị quyết nhấn mạnh bao gồm: thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững; trong 5 - 10 năm tới, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế...

Để hội nhập kinh tế quốc tế thành công thì cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế.

Tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển; ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; triển khai kế hoạch tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020...

Việt Nam đã gia nhập WTO gần 10 năm và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đã bộc lộ không ít thách thức. Báo cáo giám sát của Quốc hội về gia nhập WTO của Việt Nam đưa ra cuối năm 2015 đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế. Đó là thể chế pháp luật kinh tế có chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao; chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước; năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế; tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững là do vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động, trong khi tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng thấp hơn nhiều nước khác...

Trong thời gian tới, Việt Nam đang chủ động đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những FTA thế hệ mới mà theo đánh giá của các chuyên gia là mức độ hội nhập sẽ sâu hơn khi mà gần như ngay lập tức, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào.

Sức ép cạnh tranh trên sân nhà sẽ lớn hơn nhiều so với những FTA mà Việt Nam đã tham gia nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội là “tấm vé” để các doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ và EU.

Thách thức là rất lớn nhưng cơ hội cũng không hề nhỏ. Vấn đề đặt ra chính là việc nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng sẽ nắm bắt đến đâu. Một khảo sát được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây đã cho biết, hơn 88% doanh nghiệp được hỏi đã biết về TPP; 83% doanh nghiệp biết về EVFTA; gần 94% doanh nghiệp biết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Điều đó cũng đưa đến con số là hơn 96% doanh nghiệp cho rằng các FTA là cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 80% doanh nghiệp cho rằng mang lại nhiều cơ hội hơn thách thức...

Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị nhất định cho những cơ hội và thách thức sắp tới. Tuy nhiên, khảo sát của VCCI cũng chỉ ra doanh nghiệp vẫn có nhiều trở ngại trong hội nhập sắp tới khi các cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị, trong khi hướng dẫn còn ít, chưa cụ thể nhất là với TPP; quy tắc xuất xứ quá khó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp so với đối thủ; tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan công quyền...

Nhiều quan chức Chính phủ, đại diện tổ chức quốc tế đã khẳng định, với những FTA thế hệ mới, cùng với cơ hội thì nhiều thách thức có thể đến, nhiều lợi ích tiềm tàng có thể bị bỏ lỡ nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt nội lực để giành lợi ích. Những cơ hội vẫn đang nằm trên giấy nhưng rủi ro, thách thức dường như đã hiện hữu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị để có một tâm thế vững chắc để có thể hội nhập thành công.

Đặt trong yêu cầu đó, việc Chính phủ quyết tâm xây dựng một chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở Việt Nam được bình đẳng cạnh tranh được coi là những yếu tố quan trọng để nền kinh tế, doanh nghiệp có thể vững bước trên con đường hội nhập thời gian tới.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục