Đề nghị không thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế

Cuối buổi sáng 17-4, phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức bế mạc. Trước đó, UBTVQH đã dành trọn thời gian làm việc buổi sáng để nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cuối buổi sáng 17-4, phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chính thức bế mạc. Trước đó, UBTVQH đã dành trọn thời gian làm việc buổi sáng để nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

  • Nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về việc lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo, đến nay có gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn cả là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gần 2 triệu lượt); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (hơn 1,4 triệu lượt); tài chính đất đai và giá đất (743.309 lượt); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (738.879 lượt)…

Trong số các vấn đề đã được chỉnh lý theo ý kiến nhân dân, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đề nghị Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội (KTXH). Dự luật quy định theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển KTXH trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, các dự án này cần phải được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.

Cơ quan soạn thảo đã chỉnh sửa dự thảo luật theo hướng quy định cụ thể trình tự, thủ tục cưỡng chế khi thu hồi đất nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện cưỡng chế thu hồi đất xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thống nhất. Về thời điểm tính giá đất bồi thường, dự thảo luật được chỉnh sửa theo hướng khi Nhà nước thu hồi đất thì chủ sử dụng được bồi thường theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Một vấn đề có nhiều ý kiến góp ý khác cũng được tiếp thu là trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở. Theo đó, trường hợp phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất bị thu hồi; trường hợp không phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường bằng tiền. Trường hợp bồi thường chậm khi Nhà nước thu hồi đất được xử lý bằng việc bổ sung một điều vào dự thảo luật, quy định rõ: trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ người có đất bị thu hồi…

Đối với các dự án được cơ quan nhà nước cho phép áp dụng hình thức tự thỏa thuận mà chủ đầu tư đã thỏa thuận được trên 80% số chủ sử dụng đất (đối với khu vực đô thị) và trên 70% diện tích đất (đối với khu vực nông thôn), theo cơ quan soạn thảo, quy định Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất không thỏa thuận được là không thống nhất với những vấn đề đã tiếp thu.

  • Phân loại dự án để áp dụng chính sách thu hồi hoặc trưng mua

Quan tâm đến quy định Nhà nước không thu hồi đất đối với các dự án phát triển KTXH trong dự thảo luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận định, khi bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án phát triển KTXH cần làm rõ dự án KTXH nào đưa vào mục đích quốc phòng an ninh; loại dự án KTXH nào đưa vào lợi ích quốc gia; loại dự án KTXH nào đưa vào lợi ích công cộng. Từ đó, phải làm rõ loại đất nào, Nhà nước thực hiện thu hồi; loại đất nào trưng thu, trưng mua… Hơn thế, phải quy định rõ cơ chế xác định các loại giá đất đối với trường hợp thu hồi, trưng thu, trưng mua đất mới đảm bảo tính khả thi của luật.

Có quan điểm khác với cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng, đối với các dự án được cơ quan nhà nước cho phép áp dụng hình thức tự thỏa thuận mà chủ đầu tư đã thỏa thuận được trên 80% - 90% (phần còn lại không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất), Nhà nước cần thực hiện biện pháp thu hồi để dự án có thể đi vào hoạt động, góp phần phát triển KTXH.

Liên quan đến các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, nhiều thành viên UBTVQH đồng tình xử lý theo hướng đánh thuế lũy tiến. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nói thêm: “Nếu đã đánh thuế lũy tiến một thời gian nhất định rồi mà vẫn chậm đưa đất vào sử dụng phải thu hồi giao doanh nghiệp khác”. Về quy định phải công chứng, chứng thực các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, đa số ý kiến thành viên UBTVQH bày tỏ tán thành, nhằm tạo cơ sở giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện (nếu có). Đối với thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai, UBTVQH cho rằng đối với những tranh chấp mà một trong các bên tranh chấp chưa có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cơ quan hành chính giải quyết; các trường hợp còn lại thì tòa án giải quyết như quy định của dự thảo luật.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, khai mạc vào tháng 5 tới.

Nhiều ý kiến đóng góp chưa được tiếp thu bao gồm đề nghị quy định đa sở hữu về đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất ở; đề nghị giữ nguyên hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp như quy định của Luật Đất đai năm 2003; đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án; đề nghị bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá các loại đất…

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục