Đề nghị luật hóa nhiều nội dung trong Nghị quyết 16

Sáng nay, 16-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và việc thực hiện Nghị quyết 16/2003 của QH về quản lý, dạy nghề cho người sau cai nghiện.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung thêm 2 nội dung vào nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong dự án Luật: “đánh đập, dùng nhục hình đối với người cai nghiện” và “bao che, dung túng người nghiện ma túy” để phù hợp với tình hình mới. ĐB cũng yêu cầu quy định rõ hoặc giao Chính phủ quy định rõ tỷ lệ đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho cai nghiện của gia đình và bản thân người cai nghiện cho thống nhất, đồng thời công khai cơ chế hỗ trợ người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cho rằng, cần tổng kết và quy định trong Luật về hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia và các địa phương trong phòng chống ma túy. Vai trò của UBND các cấp được quy định trong dự Luật còn chung chung, không khả thi. Đáng lưu ý, ĐB cho rằng, bản thân cây Anh Túc không có tội, chỉ nên nghiêm cấm trồng để khai thác trái phép, chứ nếu tuyệt nhiên không cho trồng thì khi cần để sản xuất dược phẩm, lại vẫn phải nhập.

Về Nghị quyết 16/2003, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nhận xét, việc thực hiện NQ 16 đã có hiệu quả lâu dài về xã hội, nhất là khi người sau cai về với cộng đồng.

“Có thêm thời gian cách ly sau cai nghiện, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện có nghề nghiệp là chủ trương đúng, thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, song áp dụng ở từng địa phương như thế nào thì phải nghiên cứu cho hiệu quả, tránh lãng phí”, ĐB Hồng phát biểu. ĐB cho rằng nên có thêm những quy định khuyến khích các DN nhận người nghiện sau cai vào làm việc.

ĐB Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh) đồng tình: “NQ 16 là toa thuốc đúng, cần được luật hóa. Thực tế ở các địa phương cho thấy tình trạng tái nghiện rất cao. Có thêm thời gian cho họ học văn hóa, học nghề, củng cố ý chí, nghị lực để từ bỏ tệ nạn này là hết sức đúng đắn”.

Từ thực tế của TP HCM, đô thị lớn nhất cả nước từng đứng trước nguy cơ bất ổn xã hội rất lớn do tệ nạn ma túy trước khi thực hiện NQ16, ĐB Huỳnh Thành Lập khẳng định, việc được giao thí điểm thực hiện quản lý người nghiện sau cai tại TPHCM đã được sự đồng thuận của nhân dân TP; huy động được toàn xã hội tham gia.

“Mặc dù khởi đầu chưa có kinh nghiệm nhưng với quyết tâm cao và sự trợ giúp của các cấp ngành, sự phối hợp của địa phương bạn, 30.000 người nghiện đã được trở về với xã hội, đem lại hạnh phúc không nhỏ cho bản thân họ và gia đình, góp phần tạo sự ổn định cho xã hội; hạn chế sự lây lan tệ nạn ma túy”. Ông khẳng định, phần lớn khoản chi cho công tác này tại TPHCM được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể tiếp tục sử dụng lâu dài để cai nghiện hoặc phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội khác, vì vậy không thể coi là lãng phí.

ĐB Huỳnh Thành Lập đề nghị QH luật hóa việc quản lý, dạy nghề cho người sau cai nghiện theo hướng linh hoạt, phù hợp điều kiện của từng địa phương.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục