Mới đây thị trường địa ốc tiếp tục chứng kiến thêm cú sốc, một căn hộ bán cho 5 người, tức dự án 180 căn hộ nhưng bán ra tới 213 hợp đồng, tức có tới 23 hợp đồng bán khống - chuyện xảy ra tại chung cư Gia Phú, 68 đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, Thủ Đức TPHCM. Chuyện xảy ra, chủ đầu tư hứa sẽ đổi lại căn hộ cho khách hàng nhưng rồi lặn mất tăm. Không chỉ chủ đầu tư mà các sàn môi giới tham gia phân phối cũng lặn luôn, thay tên đổi họ, bỏ địa chỉ công ty, để lại nỗi lo mất của - mất ăn - mất ngủ cho hàng trăm con người, càng lo hơn khi dự án cứ đứng đó, phơi mặt gió sương!
Vụ việc này bùng lên cũng giống như nhiều vụ khác mà báo chí đã phản ánh. Trước đây là vụ chung cư Thảo Loan Plaza, dự án thế chấp ngân hàng, lẽ ra khi bán căn hộ chủ đầu tư phải báo cáo và chuyển tiền vào ngân hàng để giải chấp, nhưng chủ đầu tư lại ôm trọn; còn công ty là chủ đầu tư dự án lại chuyển chủ lòng vòng. Cho đến nay chung cư xây xong thô rồi bỏ mặc, trễ hẹn giao nhà cho khách hàng nhiều năm trời; ngân hàng rối bời, khách hàng bơ vơ… không biết trong ruột dự án này còn gì. Chung cư Petrolandmark quận 2 còn đình đám hơn, chủ đầu tư thu tiền khách hàng nhưng dự án lại dang dở, lãnh đạo công ty bị bắt, đến nay dự án tiếp tục dở dang, khách hàng đi kêu cứu “mòn dép”, mỏi mòn chờ đợi ngày giao nhà!
Hàng loạt vụ việc xảy ra không chỉ tại TPHCM mà còn ở Hà Nội, cho thấy, không có lĩnh vực nào kinh doanh “dễ” như địa ốc. Suy cho cùng, địa ốc cũng là một mặt hàng như tất cả các mặt hàng khác giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, những mặt hàng khác như tô phở ăn xong mới trả tiền, còn mua trả góp ví như mua xe chỉ bỏ ra ít tiền là dắt xe chạy rồi, nhưng địa ốc lại hết sức “đặc biệt”, tức người mua phải trả miệt mài; chủ đầu tư mới xây xong móng đã được pháp luật cho phép huy động vốn đến 70% (có chủ đầu tư sáng kiến đóng 95% sẽ được chiết khấu mạnh), thị trường bất động sản luôn rơi vào tình cảnh “tiền trao nhưng cháo chưa múc”, chẳng may gặp chủ đầu tư “có vấn đề” thì người mua dễ dàng lâm cảnh trắng tay.
Rõ ràng, luật kinh doanh địa ốc chưa bảo vệ người mua nhà, nhưng lại rất quan tâm và luôn có khoản mở cho chủ đầu tư - đặc biệt những thời điểm thị trường gặp khó khăn. Tình hình này dẫn đến việc mua bán bất động sản ở nước ta hiện nay, để an toàn, người mua chỉ còn biết dựa vào chữ tín. Nhưng ngặt nỗi, khi kinh tế khó khăn, nhiều chủ đầu tư bỏ qua luôn chữ tín, trong khi bất động sản là chuyện đầu tư liên quan đến tài sản tích cóp của cả đời người! Còn nhớ, có lần người viết đến TP Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc tham quan các dự án nhà ở, một dự án cỡ nhỏ nhưng có đến 28.000 căn hộ; khu bán hàng nằm trong khu chung cư được bố trí công viên cảnh quan như khu resort 5 sao. Khi hỏi điều kiện được bán nhà, chủ đầu tư giải thích, quy định ở đây là xây dựng đụng nóc mới được bán. Trong khi, Việt Nam chỉ cần xây xong móng là bán được. Tuy không có điều kiện kiểm chứng, nhưng một chuyên gia bất động sản cũng khẳng định, ở nước ngoài “nếu không giao nhà đúng hẹn sẽ là tội bội tín, tội đó xử rất nặng”.
Hơn 2 tháng nữa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực. Hiện nay các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn đang lấy ý kiến của các cơ quan chức năng… Rõ ràng, đây là thời điểm bổ sung kịp thời các điều khoản để bảo vệ người mua nhà, tránh khiếu kiện như trước đây mà phần thua thiệt luôn nghiêng về người mua. Đó cũng là trách nhiệm của chính quyền trong việc bảo vệ công dân!.
LƯƠNG THIỆN