Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã sinh ra đội ngũ nhà văn chiến sĩ hùng hậu và dòng văn học chiến tranh yêu nước mạnh mẽ.
Trong Tổng tập Nhà văn quân đội xuất bản năm 2000 tập hợp trên 300 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình từng và đang mặc áo lính. Có những tác phẩm viết về chiến tranh và người lính cách mạng đã ghi dấu son đối với nền văn học nước nhà.
Giai đoạn hiện nay, khi xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh hòa bình, cùng với quá trình hội nhập quốc tế thì dòng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng tồn tại phát triển như thế nào? Đó chính là câu hỏi đáng được quan tâm.
Viết về đề tài chiến tranh sâu sắc, điềm tĩnh hơn
Nếu như trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có một dòng chảy từ bên ngoài vào quân đội những nhà văn, những sinh viên thanh niên có năng khiếu văn chương thì ngược lại, khi chiến tranh kết thúc, nhiều nhà văn mang áo lính chuyển ra ngoài. Vì thế, đội ngũ nhà văn chiến sĩ ngày càng vơi dần đi. Tuy vậy, hơn 30 năm qua những người viết văn trong quân đội vẫn có những đóng góp nhất định vào sự đổi mới, phát triển của văn học nước nhà.
Cũng như nhiều nhà văn khác, những chiến sĩ cầm bút trong tiến trình đổi mới đã bước qua thời đoạn nhận thức ban đầu với sự suy ngẫm điềm tĩnh, sâu sắc hơn về xã hội và con người. Hơn 3 thập kỷ qua, khuynh hướng hiện thực vẫn là dòng chủ lưu của văn học Việt Nam. Phần lớn các nhà văn quân đội trong điều kiện mới của cuộc sống vẫn tâm huyết với đề tài chiến tranh. Đã có độ lùi về thời gian để họ nhìn lại quá khứ một cách tỉnh táo, công bằng, sâu sắc hơn ở nhiều góc độ, phương diện, tầng nấc khác nhau. Cái nhìn về ta - địch cũng không còn phiến diện, sơ lược, cực đoan như trước đây nữa. Xu hướng phản ánh miêu tả cuộc chiến tranh đúng như nó đã xảy ra trở thành phổ biến.
Trong ý thức, các nhà văn quân đội xem việc viết về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như là trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân với đồng chí, đồng bào, nhất là những người đã đổ máu vì nền độc lập, tự do, hòa bình đất nước.
Bên cạnh tô đậm thêm, lý giải sâu sắc hơn về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng tập thể cao cả, người cầm bút không ngần ngại phản ánh sự hy sinh mất mát to lớn của dân tộc, những sai lầm, khiếm khuyết, những ấu trĩ non nớt của chúng ta ở một thời đã qua. Trong các tác phẩm đã thật hơn khi việc miêu tả và phân tích hành động cao cả hay thấp hèn, những thân phận, cảnh huống trắc trở éo le, những thầm kín bản năng con người…
Những trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái… cũng như một số tập thơ của Phạm Ngọc Cảnh, Phùng Khắc Bắc, Vương Trọng, Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Trung Lai, Lê Thành Nghị… cùng với những tác phẩm văn xuôi như Miền cháy, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng của Lê Lựu, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Mây cuối chân trời của Nguyễn Trọng Oánh, Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, Thượng Đức của Nguyễn Bảo, Ngày rất dài của Nam Hà, Tiếng khóc của nàng Út của Nguyễn Chí Trung, Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh, Cõi đời hư thực của Bùi Thanh Minh… đã phần nào minh chứng cho nhận định trên.
Sẽ là thiếu chu đáo nếu ta không điểm danh những nhà văn đã có những tác phẩm viết về chiến tranh sau chiến tranh đầy ấn tượng như Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Trần Văn Tuấn với Rừng thiêng nước trong, Xuân Đức với Bến đò xưa lặng lẽ... (văn xuôi), Thanh Thảo với Những người đi tới biển, Lê Thị Mây với Lửa mùa hong áo (trường ca)...
Cảnh báo thiếu hụt về lực lượng và tác phẩm
Điều không khó thấy là lực lượng nhà văn trong và ngoài quân đội tâm huyết với đề tài chiến tranh đang ít dần đi. Trong quân đội, số nhà văn thế hệ chống Mỹ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Sau khi các nhà văn, nhà thơ Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Hồng Diệu, Nguyễn Hồng Hà, Đỗ Viết Nghiệm… nhận sổ hưu thì chỉ còn lại Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy, cũng đã xấp xỉ lục tuần.
Thế hệ nhà văn xuất hiện sau năm 1975 như Ngô Vĩnh Bình, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Hữu Quý, Trần Anh Thái, Mai Nam Thắng, Hà Đức Hạnh, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Bình Phương, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Tiến Hải, Hoàng Đức Nhuận, Nguyễn Minh Ngọc, Lê Anh Dũng... tuổi tác cũng đã trên dưới năm mươi. Và có không nhiều lắm những nhà văn thuộc lớp X70.
Những người cầm bút ngoài quân đội tâm huyết với đề tài chiến tranh vẫn thuộc thế hệ chống Mỹ và sau năm 1975. Chưa có những nhà văn trẻ viết về chiến tranh có uy tín. Với nhà văn trẻ thì cuộc sống đương đại đang diễn ra từng ngày hấp dẫn họ hơn, văn học đời thường đang chiếm ưu thế. Trở ngại lớn nhất đối với nhà văn trẻ viết về chiến tranh là họ chưa được nếm trải những năm tháng ấy và hiện thực bi hùng của quá khứ xảy ra khi họ chưa sinh hoặc còn bé. Tôi tin, những tác phẩm viết về chiến tranh của họ sẽ khác với những gì đã có của thế hệ đi trước, tuy nhiên điều này lại phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của người cầm bút. Lo ngại về sự thiếu hụt đội ngũ cầm bút kế thừa viết về chiến tranh là rất có lý. Dòng văn học viết về chiến tranh liệu có vơi cạn khuất lấp dần trước sự bộn bề của cuộc sống hôm nay?
Trong khi đó, chiến tranh còn nhiều tầng vỉa để khai thác. Bao nhiêu kỳ tích, con người, sự việc chưa được phản ánh miêu tả, bao nhiêu hy sinh mất mát của đồng chí đồng bào chưa tri ân đầy đủ, bao nhiêu câu hỏi về chiến tranh chưa được trả lời...
Món nợ của người cầm bút vẫn còn lớn lắm. Mấy mươi năm qua sòng phẳng mà nói, ta mới chỉ có một số tác phẩm hay viết về chiến tranh, chưa có những tác phẩm lớn tương xứng với sự vĩ đại của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như những cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc sau này.
Chiến tranh vẫn là một đề tài nóng của văn học. Tôi nghĩ rằng 30 năm, 50 năm hoặc lâu hơn nữa thì sự quan tâm của người cầm bút đối với nó vẫn không hoàn toàn mất đi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhân loại đến nay vẫn còn nhắc tới Chiến tranh và hòa bình của L.Tônxtôi… Gần gũi hơn nữa là những tác phẩm văn xuôi và thơ ca về chiến tranh của Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Chính Hữu, Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, Xuân Đức, Trần Văn Tuấn… vẫn làm cho chúng ta xúc động.
Xây dựng đội ngũ nhà văn tâm huyết viết về đề tài chiến tranh và cần có những bà đỡ mát tay cho các tác phẩm là một việc cần thiết. Quân đội có giải thưởng Bộ Quốc phòng và các cuộc đầu tư cho sáng tác tiểu thuyết, trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng; Hội Nhà văn có Ban Quốc phòng – An ninh; Báo Sài Gòn Giải Phóng có Quỹ Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng... Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ điều kiện để khơi rộng dòng chảy viết về chiến tranh và trước mắt chúng ta vẫn còn đó nỗi lo thiếu hụt về lực lượng cũng như tác phẩm lớn và hay cho đề tài này.
NGUYỄN HỮU QUÝ