Năm 1985, sau gần 10 năm ngày thống nhất đất nước, thể thao TPHCM mới xây dựng được cơ sở thi đấu hiện đại đầu tiên, đó là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Thế nhưng, cũng trong thời điểm khó khăn ấy, nền thể thao thành phố lại phát triển rực rỡ, đi đầu trong những thành tựu của thể thao nước nhà và là trung tâm thể thao mạnh nhất cả nước.
Qua 40 năm, thể thao TPHCM vẫn là địa phương đứng thứ nhì của cả nước về thành tích cũng như sự cống hiến nguồn nhân lực cho đất nước. Thế nhưng, nếu so với tiềm năng của thành phố đông dân, là trung tâm kinh tế hùng mạnh thì rõ ràng thể thao TPHCM vẫn chưa tương xứng, nếu không nói là sự sa sút đã bộc lộ rõ ràng trên nhiều môn, nhiều thành tích thi đấu và đối diện với nguy cơ: đi trước nhưng về sau.
Hơn một năm trước, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm xây dựng chiến lược phát triển thể thao TPHCM. Tựu trung, các ý kiến của những người có trách nhiệm với thể thao TPHCM đều cho rằng cần có một sự đột phá về mặt chiến lược mới có thể thay đổi được tình hình hiện nay khi mà quá trình xã hội hóa thể thao đang giậm chân tại chỗ, không xứng đáng với sự năng động trên mọi mặt của đời sống xã hội mà TPHCM luôn đi đầu.
Ví dụ như vấn đề xây dựng một khu liên hợp thể thao tại Rạch Chiếc - quận 2, hiện vẫn còn đang tranh cãi về tính khả thi của dự án này dù công tác quy hoạch, chuẩn bị đã tiến hành hơn một thập niên qua. Ai cũng thấy sự cần thiết của một trung tâm thể thao có tầm vóc châu lục như vậy, nhưng bài toán hiệu quả trong sử dụng và định hướng phát triển thể thao đỉnh cao tương xứng lại không hề có lời giải. Mấu chốt vẫn nằm ở con người thực hiện khi bộ máy ngành thể thao vẫn nặng tính hành chính - sự nghiệp, chức năng của những liên đoàn, tổ chức xã hội nghề nghiệp vẫn bị trói buộc bởi cơ chế, chính sách. Những nguồn lực xã hội bị phân nhỏ, không có người tập hợp được sức mạnh tập thể, dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa thể thao phong trào và thể thao đỉnh cao.
Báo cáo của ngành thể thao thành phố cho biết, diện tích đất dành cho thể dục - thể thao của TP thấp so với mức bình quân của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Từ sau SEA Games 22 - năm 2003 đến nay, TP không có thêm trung tâm thi đấu hiện đại nào và nhiều khả năng phải đợi đến khi nhận quyền đăng cai SEA Games 2021 thì mới có điều kiện để chỉnh trang cơ sở vật chất đang xuống cấp. Đi kèm với đó là thành tích của thể thao TPHCM tại các kỳ SEA Games hiện chỉ xếp thứ ba sau Hà Nội và Quân đội. Rõ ràng, nếu không bắt tay làm ngay, làm quyết liệt thì sự tụt hậu sẽ còn tiếp diễn.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thể thao TPHCM có thể “cất cánh” trở lại, điều kiện tiên quyết là phải có một tầm nhìn xa. Phải có thêm nhiều cuộc hội thảo quy mô hơn, tập hợp được nhiều chuyên gia của nhiều ngành, nghề hơn để có cái nhìn bao quát chứ không nên chỉ có ngành thể thao “đóng cửa” nói chuyện với nhau. Bởi quá trình phát triển đô thị luôn đi kèm với môi trường sống, trong đó có đời sống thể dục - thể thao và chính những người làm thể thao thành phố phải nhận thức được điều này để khi xây dựng chiến lược phát triển, cần có sự tương đồng giữa phong trào và đỉnh cao, giữa không gian tập luyện sức khỏe với những trung tâm thi đấu, giữa công tác phát triển thể chất và hoạt động thể thao chuyên nghiệp.
VIỆT QUANG