Để “trường học hạnh phúc” không chệch hướng

Tháng 10-2023, Sở GD-ĐT TPHCM ban hành kế hoạch triển khai “trường học hạnh phúc” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Thực hiện chủ trương này, các cơ sở giáo dục đã xây dựng nhiều biện pháp, cách thức khác nhau. Bên cạnh những cách làm đúng, hiệu quả, vẫn còn một số nhận thức, hành động chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, thiếu chiều sâu và chưa toàn diện.

Nhiều cách làm chưa phù hợp

Dựa trên bộ tiêu chí xây dựng “trường học hạnh phúc” do Sở GD-ĐT TPHCM ban hành ở 3 nhóm tiêu chuẩn, 18 tiêu chí, các trường học đã hiện thực hóa bằng nhiều cách làm khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay có 5 cách làm chưa phù hợp.

Thứ nhất, xây dựng trường học hạnh phúc theo kiểu hành chính hóa. Điều này sẽ gây ra những áp lực không cần thiết cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường. Thay vào đó, trường học hạnh phúc cần thực hiện theo nhu cầu tự thân của cơ sở giáo dục, không nóng vội đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở điều kiện thực tế.

Thứ hai, xây dựng trường học hạnh phúc cần có điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính. Thực tiễn và khoa học đã chứng minh, con người hoàn toàn có thể hạnh phúc mà không lệ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh. Do vậy, dù điều kiện của nhà trường còn khó khăn, hạn chế thì vẫn có thể nâng cao cảm nhận hạnh phúc của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh bằng nhiều giải pháp linh hoạt thông qua các hành động, việc làm phù hợp.

Thứ ba, xây dựng trường học hạnh phúc là thêm việc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thực chất, những cách thức, hành động để làm cho trường học hạnh phúc không mới, có chăng là được thực hiện theo một cách khác và thường xuyên hơn. Ví dụ, giáo viên cười nhiều hơn, thân thiện hơn và lắng nghe, gần gũi hơn với học sinh cũng như đồng nghiệp. Tương tự, học sinh quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với bạn bè để tạo môi trường chia sẻ và hợp tác.

Thứ tư, xây dựng trường học hạnh phúc là trách nhiệm của nhà trường và ngành giáo dục. Học sinh không thể hạnh phúc trọn vẹn nếu thiếu đi sự hạnh phúc trong gia đình và ngoài xã hội. Do vậy, để xây dựng thành công trường học hạnh phúc, cần có sự tham gia của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Thứ năm, để học sinh hạnh phúc, cần đáp ứng mọi nhu cầu, nguyện vọng của các em. Trường học hạnh phúc không có nghĩa là học sinh không có áp lực học tập và có thể làm mọi điều mình thích. Trái lại, trường học vẫn cần có nội quy, kỷ luật nhưng là kỷ luật tích cực. Các hoạt động vui chơi, giải trí cho học sinh là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính giáo dục học sinh, tránh vui chơi quá đà, không phù hợp văn hóa trường học.

Sự chung tay của nhiều nguồn lực

Những cách làm chưa phù hợp nêu trên xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về hạnh phúc và trường học hạnh phúc của các chủ thể giáo dục trong nhà trường, mà trước hết là từ đội ngũ cán bộ quản lý. Khi người đứng đầu đơn vị hiểu đúng về tầm quan trọng của hạnh phúc và vai trò, ý nghĩa thật sự của trường học hạnh phúc thì mới có thể làm cho trường học ngày càng trở nên hạnh phúc hơn.

k4a-4240.jpg
Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM thực hiện Tiết học mở, mời cha mẹ học sinh vào dự giờ lớp học của con. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Theo tác giả Martin Seligman, cha đẻ của ngành tâm lý học tích cực, 5 yếu tố để có được hạnh phúc thật sự gồm: cảm xúc tích cực, sự gắn kết, mối quan hệ, ý nghĩa cuộc sống và thành tích. Do vậy, các hoạt động để xây dựng trường học hạnh phúc cần hướng đến 5 thành tố này, đồng thời lưu ý đến tính cá thể của từng đối tượng cụ thể.

Trong đó, đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, cần tiến hành tập huấn, nâng cao nhận thức sâu sắc rằng xây dựng trường học hạnh phúc trước hết là tốt cho bản thân mình và tốt cho học sinh. Đối với học sinh, cần được lắng nghe, tôn trọng và ghi nhận nhiều hơn để các em có cảm giác gắn bó với trường, lớp; phát huy tình bạn tích cực trong nhà trường để giúp nhau cùng tiến bộ. Một số hoạt động thực hành nên được áp dụng trong nhà trường như duy trì lòng biết ơn, sự chú tâm, nhận diện cảm xúc…

Để đạt được các mục tiêu đó, trường học cần tăng cường chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường. Ngoài ra, cần huy động sự tham gia của phụ huynh và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng trường học hạnh phúc để tạo nên một thế hệ người học hạnh phúc, góp phần tạo dựng quốc gia hạnh phúc.

Theo UNESCO, “trường học hạnh phúc” là nơi có các mối quan hệ con người tích cực, phương pháp dạy và học phù hợp, môi trường học tập an toàn và thân thiện. Hiểu theo cách chung nhất, trường học hạnh phúc là môi trường giảng dạy không giới hạn ở những điều học sinh cần và thiếu mà còn hỗ trợ các em phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm hăng say học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần. Có thể hiểu, trường học hạnh phúc là môi trường giáo dục lý tưởng khi giáo viên, học sinh và phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh.

Tin cùng chuyên mục