Đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước

Việc phân cấp còn chưa đồng bộ với phân quyền, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức xin ý kiến, chấp thuận, cho phép; các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức… chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn.

 

Chiều  4-6, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. 

Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng về phân cấp, phân quyền, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phân cấp. Lãnh đạo 31 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc tham dự.

Cơ chế kiểm tra, giám sát chưa đủ mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Lượng, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế báo (Bộ Nội vụ), sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động nhiều hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước ảnh 1 Quang cảnh hội thảo

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù và các địa phương tự cân đối ngân sách nhà nước thì các quy định về phân cấp thời gian qua cần được hoàn thiện hơn. Đặc biệt, ở một số địa phương tự cân đối ngân sách nhưng không được chủ động trong việc điều tiết giữa các cấp ngân sách thuộc phạm vi quản lý đã làm hạn chế việc phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Bên cạnh đó, theo ông Lượng báo cáo, cơ chế phối hợp giữa các địa phương còn hạn chế, chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển vùng (một số địa phương được xác định vai trò là hạt nhân của vùng, được ưu tiên hưởng các chính sách đặc thù nhằm tạo động lực phát triển cho vùng nhưng chưa làm tốt vai trò hạt nhân, vẫn còn tính chất cục bộ và cạnh tranh giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư trong vùng thay vì phối hợp, hợp tác cùng phát triển).

Cơ chế kiểm tra, giám sát chưa cụ thể, chưa có chế tài đủ mạnh; tỷ lệ cán bộ công chức chuyên trách làm công tác giám sát còn hạn chế. Đặc biệt, phân cấp còn chưa đồng bộ với phân quyền, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức xin ý kiến, chấp thuận, cho phép; các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức… chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn.

Đề nghị cho địa phương được thành lập, giải thể đơn vị hành chính

Lãnh đạo của 31 địa phương dự hội thảo cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về quan điểm, nguyên tắc phân cấp; các ngành, lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước đã được đề cập nhưng chưa được cụ thể. Trong lĩnh vực nội vụ, gồm: tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức, các đại biểu đề nghị phân cấp cho địa phương quyết định thành lập, giải thể tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khác theo quy định của pháp luật. Đề nghị phân cấp cho chính quyền địa phương được quyết định biên chế, vị trí việc làm công chức, viên chức.

Đại biểu đề nghị phân cấp cho UBND cấp tỉnh thêm thẩm quyền trong việc xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định nâng bậc lương trước thời hạn đối với ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương mà không qua ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ trước khi thực hiện.

Cùng với đó, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự và tương đương; từ ngạch nhân viên, cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương, từ ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính và tương đương không phải qua khâu thẩm định, phê duyệt của Bộ Nội vụ trước khi thực hiện…

Đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước ảnh 2 Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, vấn đề phân cấp thời gian qua còn chậm, thiếu kiên quyết, thiếu các điều kiện nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Một số nội dung phân cấp đã quy định nhưng triển khai chưa kịp thời; nhiều công việc cơ quan chính quyền địa phương có thể giải quyết nhưng không có quyền thực hiện; việc kiểm tra trong phân cấp tại địa phương còn hạn chế…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến tâm huyết của đại biểu đã làm rõ thêm một số vấn đề về phân cấp, phân quyền.  Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cụ thể vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ; khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực để trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục