Đến hẹn, lại “đau đầu” với lễ hội

Đến hẹn lại lên, trong những ngày cuối năm khi mùa lễ hội xuân đang chuẩn bị tưng bừng đua nở thì cũng là lúc các cơ quan chức năng và chính quyền lại đau đầu với bài toán lễ hội.

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì một năm có 7.000 lễ hội lớn nhỏ. Song phần lớn lễ hội diễn ra trong những tháng đầu xuân, thậm chí có lễ hội chỉ diễn ra một đêm như phiên chợ Viềng (Nam Định). Vì thế, dù luôn biết trước lượng du khách đến với lễ hội đông nhưng nhiều nơi không thể điều tiết được dẫn đến tình trạng ùn tắc, chen lấn, xô đẩy. Cũng chính lượng khách quá tải dẫn đến khó kiểm soát các tệ nạn phát sinh trong lễ hội, mà điển hình là chuyện “chặt chém”, vòi tiền khách... Hiện tượng cũ, nguyên nhân cũng không mới và năm nào cũng được đưa ra thảo luận, rút kinh nghiệm nhưng do chưa tìm được thuốc đặc trị nên câu chuyện về lễ hội vẫn luôn là đề tài nóng.

Chuyên gia về sử học - GS Nguyễn Quang Ngọc nhận xét, đi hội để được hòa mình vào trong cộng đồng, để thăng hoa với cộng đồng, tạm quên đi những vất vả đời thường… nhưng hiện nay, nhiều lễ hội đã bị “đầu độc” và mở rộng quy mô thái quá, bị biến thành phương tiện, cơ hội cho một số cá nhân hay tổ chức lợi dụng. Không ít người đi trẩy hội hoàn toàn chỉ do cảm tính, không quan tâm đến thuần phong mỹ tục, thậm chí không hề biết về ý nghĩa, lễ giáo khi đến nơi thờ tự.

Ở nhiều di tích, danh thắng, việc đặt bát hương, hòm công đức la liệt, khiến khách thập phương “không biết đâu mà lần”, khiến tiền lẻ rải khắp nơi; chen chúc giẫm đạp lên nhau để khấn vái và xin lộc... diễn ra một cách phổ biến. Ngay cả việc ùn ùn hóa vàng mã cũng đang được tiến hành một cách rất vô thức, lai căng, biến tướng đến mức khôi hài đáng báo động, với các sản phẩm thời thượng như ô tô, xe máy, iPhone, iPad, USD… GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, đã nhiều lần phải kêu lên rằng nhiều người đốt vàng mã một cách “lãng phí và sai lầm”. Bởi quan niệm đốt càng nhiều tiền vàng mã càng có nhiều lộc là không đúng vì điều quan trọng nhất là tấm lòng thành tâm, chứ không phải ở vàng mã nhiều ít. Thậm chí, cần lên án những người đốt vàng mã “như đốt đống rơm, đống rạ” vì hành động này vừa vô tín ngưỡng, vừa vô văn hóa.

Ngoài mê tín còn có nhiều hành vi vô văn hóa như xả rác bừa bãi, không mấy ai có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, nơi tôn nghiêm. Những năm trước, tại nhiều địa điểm lễ hội, không ít người lợi dụng khách hành hương để khai thác kinh doanh, buôn thần bán thánh. Mùa lễ hội còn là mùa làm ăn phát đạt của những người kinh doanh dịch vụ, xe cộ, thuyền bè, ăn uống, bán hàng mã, bán đồ lễ cúng… Người ta “chặt chém” nhau không thương tiếc, miễn sao kiếm tiền cho đầy túi. Tâm lý của tiểu thương là vậy, trong khi đó một số địa phương cũng coi di tích, lễ hội là nguồn lợi nên chỉ chú trọng tập trung khai thác giá trị kinh tế. Điều này cũng góp phần khiến lễ hội bị thương mại hóa, làm phai mờ bản sắc độc đáo. Bên cạnh đó, một bộ phận tham gia lễ hội có sự “thái quá” về niềm tin tín ngưỡng, cố chen lấn xô đẩy, tìm mọi cách đạt mục tiêu của mình là cầu lộc, cầu tài, cầu danh... mà chưa chú trọng đến giữ gìn sự linh thiêng, tôn nghiêm và vẻ đẹp thanh tao của mỗi lễ hội, chưa hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về các địa chỉ tín ngưỡng, thờ tự vì thế lễ hội cũng xa mờ dần với ý nghĩa nguyên thủy của mình.

Năm nào cũng vậy, các cơ quan quản lý vẫn luôn nhắc đi nhắc lại rằng sẽ tăng cường công tác quản lý, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền để du khách nâng cao ý thức… song mọi sự dường như vẫn rơi vào cảnh như cũ. Tại hội nghị tổng kết lễ hội năm 2014, nhiều đề xuất, giải pháp mới được đưa ra (như: tiêu chí thực hiện công tác quản lý, và tổ chức lễ hội đối với cơ sở; đề án quản lý, hạn chế việc đốt vàng mã; kiên quyết không bố trí những hộ kinh doanh đổi tiền lẻ, bán đồ mã, dịch vụ trò chơi điện tử trong khu vực di tích, lễ hội...) nhưng câu chuyện hiệu quả của giải pháp này đến đâu vẫn là một câu hỏi. Bởi điều đó còn phụ thuộc vào sự nhập cuộc của các cơ quan quản lý từ chuyên ngành đến địa phương. Đó là một thách thức không nhỏ. Đừng để câu chuyện cũ nhưng năm mới nào cũng đau đầu vì lời giải và cách thực hiện.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục