Đến năm 2030, hạ tầng giao thông ĐBSCL sẽ phát triển vượt bậc ​

Trước mắt, ngay trong thời gian từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; Sóc Trăng – Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề (khoảng 400 km).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch. Ảnh: VGP

Ngày 25-11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch đã chủ trì hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nêu một số điểm chính trong quy hoạch, đại diện Tư vấn quy hoạch - Liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức) cho rằng, đến năm 2050, ĐBSCL phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm hấp dẫn du khách và nhà đầu tư. Trọng tâm của chiến lược phát triển vùng là “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”. Để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, quy hoạch phân vùng theo độ mặn thành 3 vùng (vùng ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, vùng mặn-lợ). Phân vùng theo sinh thái nông nghiệp thành 14 vùng, bao gồm 6 tiểu vùng trong vùng ngọt quanh năm, 5 tiểu vùng trong vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, 3 tiểu vùng trong vùng mặn-lợ. 

Đại diện cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đã trình bày báo cáo thẩm định, khẳng định quy hoạch đã được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng. Bộ KH-ĐT cho rằng, việc phân vùng sinh thái nông nghiệp và phân vùng chức năng của nguồn nước thành 3 vùng (vùng ngọt, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, vùng mặn-lợ) là phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch nhấn mạnh, vai trò, vị trí đặc biệt của vùng ĐBSCL. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên, trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL (giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng ngân sách của Trung ương đầu tư cho các tỉnh ĐBSCL chiếm 17%). Mặc dù đạt nhiều kết quả trong phát triển, tuy nhiên ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác. Vì vậy, việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ Quy hoạch Vùng ĐBSCL có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng, xác định được trọng tâm, trọng điểm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị chủ trì (Bộ KH-ĐT) và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt.

“Giai đoạn tới đây, từ nay đến năm 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các Quy hoạch hạ tầng GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa) vào quy hoạch vùng ĐBSCL. 

Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Trước mắt ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; Sóc Trăng – Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề (khoảng 400 km).

Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng. Khi có hệ thống giao thông đồng bộ thì đóng góp của ĐBSCL sẽ gấp nhiều lần hiện nay.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quy hoạch vùng ĐBSCL cần rà soát, bổ sung thêm các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bộ KH-ĐT được giao hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt trong tháng 12-2021. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thông tin, tuyên truyền về nội dung quy hoạch đến doanh nghiệp, người dân ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, vừa tạo đồng thuận, vừa để người dân, doanh nghiệp chủ động huy động nguồn lực tham gia thực hiện quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục