TS Cao Việt Hiếu (hàng đầu bên phải) cùng GS-TS Dimitri Arseniev, Phó Hiệu trưởng SPbPU ký biên bản ghi nhớ
Trong tiêu chí 3.4, tiêu chuẩn 3 của hệ thống tiêu chuẩn đánh giá giáo dục đại học do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành có yêu cầu “Chương trình giáo dục được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế”. Điều đó có nghĩa là việc liên kết quốc tế, xây dựng và tham chiếu chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục trong nước là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục đại học.
Ý thức được điều đó, từ những năm đầu thành lập trường, Ban giám hiệu Trường Đại học Bình Dương (BDU) đã rất quan tâm đến việc liên kết hợp tác quốc tế, xây dựng mối quan hệ và triển khai công tác trao đổi chương trình đào tạo cũng như giảng viên, sinh viên cho đến các chuyên gia.
Dấu ấn 10 năm
Với những chủ trương và quyết sách hướng đến tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế, 20 năm qua, BDU đã tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với hơn 30 trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ danh tiếng thuộc nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Hà Lan, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Minh chứng hiệu quả cho công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo của BDU chính là mối quan hệ hợp tác với khối các quốc gia nói tiếng Nga.
Ngày 29-10-2008, Trường Đại học Bình Dương được chỉ định tháp tùng chuyến công du của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết sang thăm và làm việc với Liên bang Nga. Trong chuyến công du này, trường đại học duy nhất được Chủ tịch nước ghé thăm tại thành phố Saint Petersburg là Đại học Bách khoa Saint Petersburg Peter Đại đế (SPbPU).
Tại đây, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, GS-VS Cao Văn Phường - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng BDU, đã ký kết văn bản hợp tác giáo dục với trường SPbPU; từ đó mở ra một bước ngoặt mới cho mối hợp tác giữa BDU và SPbPU nói riêng cũng như các quốc gia trong khối nói tiếng Nga nói chung.
Trong suốt 10 năm qua, kể từ khi văn bản hợp tác giáo dục quan trọng được lãnh đạo hai nhà trường ký kết, BDU và SPbPU không ngừng triển khai các chương trình giao lưu, trao đổi, hợp tác trong giáo dục. Hàng năm, SPbPU cử các giáo sư đầu ngành, các chuyên gia, giảng viên hàng đầu trong lĩnh vực điện - điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… sang BDU tổ chức các buổi hội thảo khoa học, giới thiệu những công nghệ mới tiên tiến của Nga cho việc ứng dụng vào thực tiễn tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Đồng thời cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ giảng viên BDU.
Về phía BDU, nhà trường luôn có chính sách và chế độ để chọn lọc đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ có năng lực gửi sang SPbPU để đào tạo chuyên sâu ở bậc sau đại học cũng như bậc chuyên gia. Từ đó, tạo nguồn lực về đội ngũ giảng viên chất lượng cao địa phương cũng như cả nước. Ngoài ra, BDU và SPbPU còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu và giới thiệu cho cán bộ, nhân viên, sinh viên hai trường hiểu thêm về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam cũng như Nga.
Bằng sự nỗ lực của hai bên lãnh đạo nhà trường, trong 10 năm qua, BDU và SPbPU đã tạo được một dấu ấn rõ nét, đóng góp tích cực vào sự nghiệp trồng người; không ngừng cung cấp cho xã hội đội ngũ lao động chất lượng cao, có khả năng hội nhập cùng môi trường quốc tế.
Tổng Lãnh sự Nga tại TPHCM (thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo BDU và SPbPU thực hiện nghi thức khánh thành Phòng Công nghệ vi xử lý
Nâng tầm hợp tác
Để kỷ niệm 10 năm hợp tác giữa BDU và SPbPU, trung tuần tháng 5-2018, BDU đã long trọng tổ chức Ngày Văn hóa - Khoa học Nga tại cơ sở chính của trường. Hoạt động này không chỉ sơ kết thành quả sau 10 năm hợp tác, mà đây còn là dịp để lãnh đạo hai nhà trường khẳng định tiếp tục và nâng cao tầm hợp tác giữa BDU và SPbPU trong giai đoạn mới.
Ngày Văn hóa - Khoa học Nga (được tổ chức từ ngày 14-5-2018 đến 31-5-2018) với mong muốn tô đậm và thắt chặt thêm tình hữu nghị truyền thống giữa BDU và SPbPU.
Trong Ngày Văn hóa - Khoa học Nga, nhiều chương trình đặc sắc được tổ chức như: Học tiếng Nga cấp tốc; chiếu những bộ phim Nga hay và thi viết bài cảm nhận; tổ chức Hội thi ẩm thực Việt - Nga; triển lãm sách và các ấn phẩm về nước Nga; biểu diễn văn nghệ hát tiếng Nga; nhảy Flashmob…
Đồng thời, trong dịp này cũng đã diễn ra buổi tọa đàm quốc tế về “Chuyển giao công nghệ Nga và các giải pháp ứng dụng cho nhà máy thông minh, thành phố thông minh” dưới sự tham gia của GS-TS Dimitri Arseniev - Phó Hiệu trưởng SPbPU, cũng như ký kết biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm Sáng tạo khoa học công nghệ giữa SPbPU và BDU; khánh thành Phòng Công nghệ vi xử lý.
Tham dự Ngày Văn hóa - Khoa học Nga, ngài A.V.Popov, Tổng Lãnh sự Nga tại TPHCM cho biết, ông đã nhiều lần đến thăm BDU và bản thân ông luôn ủng hộ và làm cầu nối để liên kết BDU với các cơ sở giáo dục Nga, mà cụ thể là SPbPU.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự Nga nhấn mạnh: “BDU là một cơ sở giáo dục hiện đại, mỗi năm cơ sở vật chất của trường được nâng cao, các tiêu chuẩn đào tạo ngày càng dược chuẩn hóa, áp dụng các phương pháp và chương trình đào tạo tiên tiến. Trường tích cực phát triển các mối quan hệ với các đơn vị giáo dục trên toàn thế giới. Tôi thật sự vui mừng vì các trường đại học của Nga cũng tham gia hệ thống các mối quan hệ đó. Việc tham gia Festival Ngày Văn hóa - Khoa học Nga 2018 là một minh chứng sinh động nhất”.
Ông cũng hy vọng rằng, trong tương lai, BDU sẽ mở các lớp dạy tiếng Nga và tin rằng các chuyên gia được đào tạo tại đây sẽ tìm được công việc xứng đáng tại các dự án hợp tác của hai trường nói riêng và hai quốc gia nói chung.
Trường Đại học Bình Dương (BDU) được thành lập năm 1997 theo Quyết định số 791/TTg ban hành ngày 24-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ.
BDU hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển để trở thành “Siêu thị tri thức”, góp phần xây dựng nền giáo dục mở của mọi người, vì mọi người, cho mọi người; thực hiện một trong những ước nguyện tột cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “ai ai cũng được học hành”.
Sinh viên BDU giao lưu với các cô giáo đến từ xứ sở Bạch Dương
Hiện trường đang đào tạo 13 ngành đào tạo bậc đại học và 23 ngành bậc sau đại học, với hàng chục ngàn sinh viên, học viên tại 2 cơ sở Bình Dương và Cà Mau và là cơ sở duy nhất ở Bình Dương được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ.