Sau nhiều năm, cái nhìn của xã hội quả thực đã bao dung hơn nhiều, đã xóa bỏ được định kiến về hình ảnh người phụ nữ chơi bóng đá. Thế nhưng, có một điều sẽ chẳng thể thay đổi được, đấy chính là thừa nhận những cô gái đá bóng ấy là một phần quan trọng của lịch sử phát triển bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên, sẽ rất khập khiễng nếu đem so sánh bóng đá nữ với bóng đá nam nhưng thử hỏi, có bao giờ các cô gái đá bóng được xếp ngang hàng với các đồng nghiệp nam, dù có thể danh tiếng ở sân chơi quốc tế của họ lớn hơn rất nhiều? Có khi nào các cô gái nhận được sự quan tâm của giới chức bóng đá, của người hâm mộ bằng với các cầu thủ nam? Và có bao giờ các cầu thủ nữ được tôn vinh giữa biển người, giữa ngất ngây hạnh phúc như các đồng nghiệp nam giống như cái đêm 28-12-2008 lịch sử, khi đội tuyển Việt Nam lên ngôi ở AFF Cup sau 49 năm đợi chờ?
Chắc chắn là không rồi! Các cầu thủ nữ luôn sống cùng sự cam chịu. Họ bao giờ cũng chỉ nhận được nguồn tài trợ ít ỏi, được thưởng ít tiền, thậm chí sự quan tâm của các quan chức và người hâm mộ dành cho cũng thấp hơn hẳn các cầu thủ nam, dù rằng “bảng vàng” thành tích của các cô gái đáng nể hơn rất nhiều: 3 lần vô địch SEA Games, 1 lần vô địch Đông Nam Á, xếp hạng 6 châu Á và xếp hạng 30 thế giới… Và có một điều chắc chắn rằng, khi ra sân bóng, những “cô gái vàng” ấy đã xả thân chiến đấu vì màu cờ sắc áo, vì niềm tự hào của người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Trước những giải đấu quan trọng của khu vực hay châu lục, dù chọn tập trung trong Nam hay ngoài Bắc, ĐTQG nam vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông. Thông tin về đội tuyển, về tình trạng sức khỏe, về tuyển thủ, về HLV… đăng kín đặc mọi trang báo. Trong khi đó, lượng thông tin về những lần tập trung của đội tuyển nữ chỉ chưa đạt tới 1/10.
Khi còn chơi bóng đỉnh cao, Đoàn Thị Kim Chi, Lưu Ngọc Mai, Văn Thị Thanh, Đào Thị Miện… có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến mức lương tương tự như của người đồng nghiệp nam Lê Công Vinh (khoảng 50 triệu đồng/tháng), đến những bản hợp đồng chuyển nhượng “tỷ này, tỷ kia”, hay những khoản thưởng lên tới vài trăm triệu đồng cho một trận thắng ở giải vô địch quốc gia… Và khi giã từ nghiệp “quần đùi, áo số”, nhiều nữ cầu thủ đã sống rất khó khăn, phải mưu sinh bằng nhiều nghề.
Báo giới không biết đã tốn bao nhiêu giấy mực để nói về một cuộc “hóa rồng”, về điều kỳ diệu, về ngày đại thắng, về những cơn mưa tiền thưởng cao ngất ngưởng… sau chiến thắng của ĐTQG nam Việt Nam ở chung kết AFF Cup. Nhưng khi ĐTQG nữ Việt Nam lên ngôi ở SEA Games, vô địch Đông Nam Á 2006, người ta đã rất kiệm lời nói về những “cô gái vàng”, coi đó như chuyện thật… bình thường!
Họ không hề thua kém đồng nghiệp nam về tinh thần, về khát vọng vươn đến thành công, nhưng dù thế, những cô gái đá bóng ấy vẫn luôn chịu thua thiệt. Họ cũng đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sân tập như đồng nghiệp nam, từng cắn răng chịu đựng chấn thương nặng nề, từng chịu cảnh miệt thị của người đời để đến với môn thể thao mình yêu thích… nhưng bù đắp cho họ đôi khi chỉ là một vài ánh mắt cảm thông từ đồng nghiệp khác và từ những người luôn coi bóng đá nữ như một phần của sự phát triển bóng đá Việt Nam.
Như thế có thật sự công bằng?
Lê Quang