Điểm chuẩn sẽ xác lập kỷ lục?

Ngày 30-7, các trường đại học (ĐH) kết thúc xét tuyển, lọc ảo và gửi dữ liệu điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) dự kiến về Bộ GD-ĐT. 
Cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm TPHCM chạy lọc ảo để xác định điểm chuẩn
Cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm TPHCM chạy lọc ảo để xác định điểm chuẩn
Kết quả sau khi lọc ảo, nhiều trường dù đã dự báo điểm chuẩn tăng nhưng không ngờ nhiều ngành lại tăng một cách đột biến. Thậm chí có trường cho rằng điểm chuẩn năm 2017 sẽ xác lập kỷ lục. 
Ngành hot, trường tốp trên điểm chuẩn tăng đột biến
Đến ngày 1-8, các trường mới công bố điểm chuẩn, nhưng mức điểm chuẩn cho năm 2017 của nhiều ngành hot và trường tốp đầu điểm chuẩn sẽ tăng mạnh. 
Dù không thông tin cụ thể nhưng 2 trường có điểm chuẩn cao nhất nước là Trường ĐH Y Dược Hà Nội và Trường ĐH Y Dược TPHCM, thí sinh có kết quả thi 27 điểm (Toán - Hóa - Sinh) sẽ không có cửa để đậu ngành Y đa khoa. Thông tin sơ bộ của Trường ĐH Y Dược TPHCM cho thấy, điểm thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khá cao. Tính đến cuối ngày 28-7, ngành Y đa khoa điểm từ 29 trở lên mới có hy vọng trúng tuyển (chưa tính điều kiện phụ), điểm chuẩn năm 2016 là 26,75 (tiêu chí phụ là môn Sinh đạt 8,2 điểm). Trong khi đó, điểm ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Dược Hà Nội chắc chắn phải từ 29,25 điểm trở lên mới có khả năng đậu. Nếu 2 trường này lấy điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên cho ngành Y đa khoa thì đây được xem là mức điểm chuẩn lịch sử của các trường y. Tương tự, những trường y khác như ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Thái Bình… điểm chuẩn ngành Y đa khoa ít nhất cũng từ 26 điểm trở lên.    
Sau các trường y là nhóm trường thuộc khối kinh tế, công nghệ. Trường ĐH Ngoại thương có số hồ sơ đăng ký vào trường hơn 20.000, trong khi chỉ tiêu là 3.750, gồm 2.850 chỉ tiêu ở cơ sở miền Bắc và chỉ tiêu 900 ở cơ sở tại TPHCM. Do đó, điểm chuẩn sẽ tăng ở tất cả các ngành, Năm 2016, điểm chuẩn của cơ sở Hà Nội thấp nhất là 23,45 (tổ hợp D1), cao nhất 26,45 (tổ hợp A). Tại cơ sở TPHCM, mức điểm chuẩn thấp nhất là 24,5 (tổ hợp D1, A1) và cao nhất 26,5 (tổ hợp A). Như vậy điểm chuẩn của trường sẽ giao động từ 24 đến 27 điểm.
Trong khi đó, các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cũng dự kiến điểm chuẩn tăng phổ biến nhất từ 1 - 3 điểm. Tuy nhiên, trong đó nhiều ngành ở một số trường tăng đến 3,5 hoặc 4 điểm. Nhiều ngành được thí sinh cho là hot hiện nay như Công nghệ hóa - sinh, Công nghệ thực phẩm, Kinh doanh quốc tế, Dược… điểm chuẩn cũng dự kiến sẽ cao hơn năm 2016 từ 2 đến 3 điểm.   
Trường tốp giữa tăng nhẹ 
Cũng như các trường tốp đầu, những trường tốp giữa cũng đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến sau nhiều lần chạy lọc ảo. Nhìn chung điểm chuẩn dự kiến các trường xác định đều tăng ít nhất 1 điểm so với năm 2016. 
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Qua 10 lần lọc ảo, đến nay phần mềm và dữ liệu chạy khá ổn, không có gì phức tạp. Các trường tham gia nhóm xét tuyển cũng được chia sẻ và hỗ trợ nhiều. Trường có gần 100.000 nguyện vọng cho 8.000 chỉ tiêu cần tuyển. Kết quả điểm chuẩn sau khi lọc ảo dự kiến thấp nhất là 20 điểm. Những ngành có điểm chuẩn cao nhất ở mức 23 - 24 điểm. Như vậy điểm chuẩn của trường tăng từ 1 - 3 điểm”.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, thông tin trường có khoảng 32.900 thí sinh đăng ký so với 6.900 chỉ tiêu cần tuyển. Sau 8 lần lọc ảo của nhóm phía Nam, kết quả điểm chuẩn của trường dao động từ mức 16,5 - 23,5 điểm. Nhìn chung, những ngành điểm chuẩn tăng nhiều là kinh tế và công nghệ. Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn năm nay biến động nhiều. Các ngành kỹ thuật ở mức 18 điểm, nhưng cũng có nhiều ngành ít nhất phải từ 25,5 hoặc 26 điểm như Quản trị kinh doanh, Logistics - quản lý chuỗi cung ứng. Trong khi đó, điểm chuẩn năm 2016 của trường chỉ ở mức từ 17 - 22,5 điểm. Ngày 30-7, hội đồng tuyển sinh của trường sẽ đưa ra quyết định cuối cùng để xác định điểm chuẩn cho năm 2017.
Điểm chuẩn của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, dự kiến tăng ít nhất 1 điểm. Trong đó, các ngành thuộc chương trình chuẩn quốc tế (gồm Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Công nghệ sinh học, Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng, Kế toán) điểm trúng tuyển có thể ở mức 18. Riêng các ngành mới như Công nghệ vật liệu, An toàn thông tin, Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ điều khiển và tự động hóa, dự kiến điểm chuẩn từ 16 trở lên. Các ngành hot như Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Quản trị kinh doanh, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Công nghệ hóa học… điểm chuẩn sẽ tăng khoảng 2 điểm so với năm 2016.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường kết thúc việc xét tuyển, lọc ảo vào chiều 30-7. Công bố kết quả điểm trúng tuyển đợt 1 chậm nhất đến 17 giờ ngày 1-8. Thí sinh sẽ làm thủ tục nhập học đến hết ngày 7-8. Cuối ngày 12-8 các trường cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã nhập học về Bộ GD-ĐT. 

Nếu trường nào không đủ chỉ tiêu đợt 1 sẽ xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 13-8 và các trường được chủ động đưa ra thời hạn xét tuyển.

Tin cùng chuyên mục