Điểm thi môn sử vào đại học quá thấp : Hậu quả của đổi mới… nửa vời!

Lỗi từ nhiều phía
Điểm thi môn sử vào đại học quá thấp : Hậu quả của đổi mới… nửa vời!

Đây không phải là lần đầu tiên xã hội rúng động vì điểm môn sử của các thí sinh (TS) trong các kỳ thi đại học (ĐH) quá thấp. Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH 2005 chỉ có 9,73% TS đạt điểm 5 trở lên; 58,5% TS có bài làm từ 1 điểm trở… xuống. Năm nay, tình trạng TS đạt điểm quá kém trong tuyển sinh ĐH tiếp tục tái diễn. Vì sao tình trạng trên cứ lặp lại trong nhiều năm qua? Không lẽ chúng ta tiếp tục bó tay với thực trạng này?

Lỗi từ nhiều phía

Điểm thi môn sử vào đại học quá thấp : Hậu quả của đổi mới… nửa vời! ảnh 1

Thí sinh dự thi vào Đại học Bán công Tôn Đức Thắng trong giờ thi môn Sử. Ảnh: MAI HẢI

Còn nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn báo SGGP, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng - Giáo sư trưởng Trường ĐH Liege, Bỉ - Chủ nhiệm các chương trình cao học Bỉ và Việt Nam - cho biết, qua kinh nghiệm phỏng vấn 10 khóa tại TPHCM và 6 khóa tại Hà Nội, ông thấy phần lớn các em đã tốt nghiệp kỹ sư, nhiều em ra trường 3-4 năm rồi nhưng lại biết rất ít về lịch sử dân tộc. Thậm chí, có em còn nói là Trần Hưng Đạo đã chiến thắng quân Minh, Lê Lợi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ đã phá tan quân Mông Cổ!

Còn theo số liệu từ Bảo tàng Lịch sử VN tại TPHCM, TPHCM có hơn 1 triệu học sinh (HS) nhưng mỗi năm số HS đến tham quan chỉ chiếm 10%.

Trong khi đó, cô Nguyễn Kim Tường Vy, tổ trưởng tổ sử Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, HS giỏi môn sử đi thi đoạt giải cao không bao giờ có ý định thi vào khối C hay chuyên ngành lịch sử. Trong khi ở nhiều quốc gia phát triển, lịch sử là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tú tài thì ở VN, sử chỉ là môn phụ, “năm thi năm không”. Thậm chí nhiều trường cho đây chỉ là môn học bài, không cần phải đào sâu suy nghĩ, khi nào thi tốt nghiệp mới tăng tiết dò bài cho HS; nếu không lại cắt tiết nhường cho môn khác. Cô Vy khẳng định: “Trước nay nhiều người vội vã kết luận điểm HS kém là hệ quả của việc dạy và học môn sử kém. Tuy nhiên, phân tích kỹ thực tế có thể thấy, cả gia đình, nhà trường lẫn xã hội đều có thái độ coi thường các môn KHXH, xem đây là môn phụ, không thể giúp HS có tương lai tươi sáng. Từ đó hầu như không còn ai nghĩ đến vai trò giáo dục, tính nhân văn mà các bộ môn KHXH đem lại cho HS”.

Đổi mới... nửa vời

Trước thực tế bi đát kể trên, gần đây Bộ GD-ĐT đã có những quan tâm đến việc này, đã đặt vấn đề mời các hội nghề nghiệp, trong đó có Hội Sử học để cùng xem xét lại các chương trình giảng dạy phổ thông. Tiếp xúc với phóng viên, cô Nguyễn Thị Kim Dung và Cao Thị Lan Chi (công tác tại khoa Lịch sử, ĐHSP TPHCM), khẳng định, trong thời gian qua các giáo viên (GV) dạy sử đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên điều này chỉ diễn ra và có những chuyển biến nhất định ở một bộ phận, còn phổ biến vẫn dạy theo lối cũ – tức HS chỉ cần học thuộc lòng – nên HS vẫn chỉ có thể “biết” chứ khó có thể “hiểu” lịch sử.

Còn theo cô Nguyễn Kim Tường Vy - Trường THPT Nguyễn Hiền, qua phân tích SGK môn sử chương trình phân ban cho thấy: SGK viết theo tinh thần giảm tải nhưng thực tế lại tăng tải, nhất là chương trình lớp 12. Nguyên nhân là do các tác giả chưa hề dạy qua bậc học phổ thông hoặc chỉ tiếp xúc với một số HS xuất sắc nên viết không sát thực tế. Trong khi đó, theo Th.S Nguyễn Đình Phùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (An Giang), do chương trình SGK quá tải nên thầy trò không thể thảo luận, phân tích, đánh giá, rút ra được vấn đề lịch sử hay bài học lịch sử.

Chính vì cách dạy và học như thế nên mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp tú tài môn sử rất cao - hơn 80% trên trung bình - nhưng thi ĐH thì điểm rất thấp. Và nghịch lý này tiếp tục cho thấy một thực tế: Đa số TS không có khả năng thi khối A, B, D nên chọn thi khối C như một giải pháp tình thế. Đi thi không có kiến thức vững vàng, gặp yêu cầu phải “hiểu” sử thì không làm được là tất yếu.

Phải bắt đầu từ người thầy

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, mặc dù thời gian gần đây Bộ GD-ĐT đã có những quan tâm đến việc xem xét lại các chương trình giảng dạy phổ thông, nhưng vẫn không có chuyển biến là do “vấn đề còn nằm ở chỗ khác”. Vấn đề đó ông đã không ít lần đề cập. Đó là tại sao vào thời điểm chúng ta đang lo lắng thế hệ trẻ không quan tâm đến lịch sử thì việc công bố cuốn nhật ký của 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm lại gây xúc động trong xã hội? “Đừng nói giới trẻ quay lưng với lịch sử mà vấn đề là cách truyền bá, giảng dạy cho HS. Lịch sử chỉ hấp dẫn và trở nên sâu sắc khi dựa trên thực tiễn đời sống xã hội”, ông nói.

– Thi vào Trường ĐH KHXH-NV TPHCM khối C có 6.856 TS dự thi, trong đó có đến 4.356 TS có điểm thi môn lịch sử dưới trung bình. Riêng ngành lịch sử có 478 TS dự thi nhưng chỉ có 47 TS đạt trên 5 điểm, duy nhất một TS đạt 8 điểm.

– Thi vào ĐH Đà Nẵng, ở khối C có khoảng 99% bài thi môn lịch sử có điểm dưới trung bình, trong đó có đến 21% bài thi điểm 0.

Còn theo ông Kiều Thế Hưng, ĐH Sư phạm TPHCM, đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học lịch sử là vấn đề lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, liên quan toàn diện đến các vấn đề thuộc nội dung, phương pháp dạy học và cả những quan niệm, thái độ của XH, của các cấp quản lý với bộ môn lịch sử. Nhưng xét cho cùng, nhân tố quyết định nhất, trực tiếp nhất vẫn là đội ngũ GV. Do đó, ông Hưng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng dạy học lịch sử phải nâng cao chất lượng đội ngũ thầy giáo, phải đổi mới trước hết ở thầy giáo. “Phải có thầy giỏi không chỉ ở kiến thức khoa học cơ bản và lý thuyết về phương pháp dạy học mà còn phải giỏi thao tác sư phạm. Vì, nếu thầy chỉ nắm vững kiến thức lịch sử thì thầy chỉ có thể trở thành nhà nghiên cứu lịch sử chứ không thể trở thành người dạy giỏi”, ông Hưng quả quyết.

Và chính vì thế, ông Hưng kêu gọi: Hãy đổi mới đào tạo tay nghề cho giáo sinh sư phạm, từ quan điểm, nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học đến cách thức tổ chức thực hiện. Chỉ có như thế mới trả lại cho bộ môn lịch sử sự hấp dẫn, sinh động và những giá trị to lớn của nó trong hành trang tri thức và tư tưởng của thế hệ trẻ ngày nay và mai sau.

Phương Đông - Doanh Doanh

Tin cùng chuyên mục