
Con tôi đang học lớp 6 của một trường THCS TPHCM. Tháng 9 và tháng 10 – 2005, điểm trung bình các môn của cháu đạt 8,5 nhưng không được xếp hạng vì lý do điểm môn giáo dục công dân dưới trung bình. Sang tháng 11 – 2005, điểm trung bình của cháu là 9,43 nhưng cũng không được xếp hạng vì lý do môn thể dục chỉ đạt loại K (tôi không rõ K là kém hay khá, nhưng con tôi cho biết trong giờ thể dục cháu bị sai 2 động tác). Cháu rất buồn, tinh thần học tập sa sút.

Ảnh: Mai Hải
Môn học bài tháng trước của cháu từ điểm 4 đã tăng lên điểm 10 nhưng ngặt nỗi cháu lại bị vướng môn phụ khác. Lớp cháu chỉ có 17/45 học sinh được xếp loại và xếp hạng mà thôi, còn lại đều không biết xếp hạng gì dù điểm trung bình đạt 7,0 hay 9,0.
Tôi xin nêu vấn đề này với ngành giáo dục: Có sự công bằng không khi một học sinh A có điểm trung bình 8,1 và không có môn nào dưới 6 hoặc 7, được xếp loại giỏi với hạng 5/45; Trong khi đó, học sinh B có điểm trung bình 9,4 (cao nhất lớp) nhưng không được xếp hạng vì môn phụ dưới 6 hoặc 7.
Theo tiêu chí học sinh giỏi của Bộ GD – ĐT hiện nay buộc các em giỏi toàn diện mà không tính đến những “sở đoản” của các em. Cách xếp loại và đánh giá hiện nay đã cào bằng và buộc học sinh phải giỏi tất cả các môn học. Nếu muốn khắc phục “sở đoản”, phải mời giáo viên các môn thể dục, nhạc, họa về rèn luyện kỹ năng. Như thế là các cháu tiếp tục bị cuốn vào vòng dạy thêm – học thêm không lối thoát.
Xã hội được thụ hưởng gì qua việc xếp loại và đánh giá do Bộ GD – ĐT đặt ra? Nhiều năm qua, giáo dục chúng ta loay hoay với chuyện cải tổ, đổi mới nhưng cái mấu chốt nhất là đổi mới thi cử thì chưa thấy có một bước ngoặt nào.
A.T. (phụ huynh ở quận 3 TPHCM)