Điểm tựa

Trong những ngày chống Mỹ ác liệt, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Ơi Trường Sơn vĩ đại của ta ơi. Ta tựa vào ngươi kéo pháo lên đồi. Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát…”.

Văn nghệ sĩ Việt Nam tự nguyện lấy đất nước, nhân dân, Đảng quang vinh làm điểm tựa và tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.

Điểm tựa! Ấy là sức mạnh văn hóa vật thể và phi vật thể để mỗi con người, mỗi dân tộc… sống và phát triển. Điểm tựa suy cho cùng là nội lực của một nền văn hóa tư tưởng!

Điểm tựa là một cấu thành từ những vật chất cụ thể, từ tình yêu thương, trách nhiệm của những người trong gia đình cho đến những chiến công của cả dân tộc qua quá trình lịch sử. Trong xã hội phát triển, con người cần có nhiều hơn những tầng điểm tựa. Điểm tựa của văn nghệ sĩ thể hiện tính gắn bó với các quan hệ xã hội. Văn nghệ sĩ chính là người cần có điểm tựa vững vàng, để nâng đỡ, phát huy và bảo vệ, tôn vinh các giá trị văn hóa mà văn nghệ sĩ tạo nên.

Những năm phát triển và hội nhập, đời sống văn học nghê thuật của chúng ta xuất hiện một hiện tượng: Không chấp nhận điểm tựa truyền thống vốn có mà đi tìm điểm tựa mới xa lạ! Ấy là trường hợp một số văn nghệ sĩ tự cho mình “người của thế giới, người của thời đại”, tách mình ra khỏi cộng đồng, hoặc quay quắt trong cô đơn, gặm nhấm từng mm2 da thịt mình, rồi dùng phép đại ngôn tuyên bố tự do không biên giới (?!). Tìm điểm tựa từ chính bản thân mình, họ tự kéo tóc mình để đề cao mình, hoặc họ tìm điểm tựa từ những lời khen tặng ở nước ngoài, khiến họ trở nên kẻ xa lạ trên quê hương, khách trọ trong nhà…

Chúng ta có hơn 80 triệu người dân, trong đó có khoảng hơn 5.000 văn nghệ sĩ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn học nghệ thuật. Hầu hết anh chị em đem hết tài năng tâm huyết lao động sáng tạo chân chính. Các Hội VHNT chuyên ngành luôn là điểm tựa thân tình, gần gũi của mọi người. Hội viên luôn coi hội của mình là chỗ dựa cần thiết và bổ ích. Vấn đề còn lại là phương pháp và nội dung hoạt động của các Hội VHNT chuyên ngành không còn thích hợp và cần đổi mới.
 Thật cảm động khi các đại hội, hội nghị, các trại sáng tác, các hội thảo chuyên ngành… luôn tập họp đông đảo mọi người. Một hội nghị những người viết trẻ ở Quảng Nam, hay hội nghị những nhà văn đồng bằng sông Cửu Long ở Cần Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, một ngày thơ Việt Nam diễn ra ở Hà Nội, TPHCM, hay những CLB, những trại sáng tác văn học, kịch bản sân khấu, điện ảnh, hội họa, múa, nhiếp ảnh… tất cả đều được đón nhận nồng nhiệt và gặt hái nhiều thành công.

Văn nghệ sĩ cần có điểm tựa là các tổ chức ở phía sau đó. Các tổ chức Hội VHNT chuyên ngành cũng cần có điểm tựa là văn nghệ sĩ, để cùng nhau xây dựng và phát triển.

TRẢNG SA

Tin cùng chuyên mục