Thành tựu phát triển ấn tượng qua những con số
Bước vào tiến trình đổi mới với quyết tâm hội nhập quốc tế cách đây 35 năm, Việt Nam vẫn còn là một đất nước với nền sản xuất lạc hậu, khép kín. Kiên định thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa, trong giai đoạn 1986-2000, tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm tăng 6,51%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%; khu vực dịch vụ tăng 6,66%.
Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ngành nông nghiệp đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Năm 2000, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 34,5 triệu tấn, gấp 2,1 lần năm 1986; đặc biệt, xuất khẩu gạo đạt 3,477 triệu tấn, gấp hơn 26 lần. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11,09% mỗi năm trong thời kỳ 1986-2000; sản lượng điện năm 2000 gấp 4,7 lần so với năm 1986; sản lượng xi măng gấp 8,7 lần; sản lượng thép cán gấp 25,6 lần. Sản lượng dầu thô đã tăng từ 41.000 tấn năm 1986 lên 16,3 triệu tấn năm 2000.
Trong khi đó, tình trạng “siêu lạm phát” bước đầu đã được kiềm chế và đẩy lùi. Giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ mức tăng 3 chữ số mỗi năm trong 3 năm 1986-1988, rồi 2 chữ số mỗi năm trong thời kỳ 1989-1992, đã giảm xuống chỉ còn tăng một chữ số trong thời kỳ 1993-2000. Đơn cử, so với tháng 12 năm trước đó, chỉ số giá tiêu dùng năm 1988 tăng 349,4%; năm 1992 tăng 17,5% và năm 2000 thậm chí còn giảm 0,6%.
Tiếp tục đà phát triển, thời kỳ 2001 đến nay, chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng đã đơm hoa kết trái. Với 2 chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (chiến lược 2001-2010 và chiến lược 2011-2020), kinh tế đã liên tục tăng trưởng, với GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001. GDP bình quân hàng năm trong giai đoạn 2001-2010 tăng 7,26%. Trong giai đoạn 2011-2019, GDP tăng 6,3%/năm, trong đó năm 2018 tăng 7,08% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Cũng từ năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ kém phát triển, để gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Và theo số liệu mới nhất từ cơ quan thống kê quốc gia, năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD (quy đổi) và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD, gấp hàng chục lần so với năm 1990. Quan trọng hơn, chất lượng tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu. Năng suất lao động trong giai đoạn 2016-2019 của toàn nền kinh tế tăng 5,86%/năm, cao hơn tốc độ 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Đáng lưu ý, nhờ hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện và sâu rộng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa ngoại thương thực hiện trong giai đoạn 2011-2019 đạt 3.100,3 tỷ USD, gấp 20,2 lần giai đoạn 1991-2000 và gấp 3,6 lần giai đoạn 2001-2010. Đây là chỉ dấu cho thấy chúng ta đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước và tranh thủ được thị trường thế giới. Điều này còn được minh chứng qua việc đầu tư nước ngoài trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nghệ… Đặc biệt, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thúc đẩy việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vị thế và động lực tăng trưởng mới
Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, vị thế của Việt Nam thay đổi đáng kể trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng GDP; là một trong 30 nước có mức tăng trưởng xuất, nhập khẩu cao và là nền kinh tế có quy mô xuất khẩu thứ 22 trên thế giới. Việt Nam đã vượt trên các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xếp hạng thứ 25 thế giới về hấp dẫn vốn FDI. Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 tăng lên 10 bậc so với năm trước, xếp thứ 67 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ… Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia trên thế giới. Hoạt động đối ngoại ngày càng được mở rộng và khẳng định rõ bản lĩnh và bản sắc của Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào hòa bình, hợp tác và phát triển, không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn cả trên thế giới.
Nhiều động lực tăng trưởng mới được xây dựng. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa rộng với nhiều mô hình kinh doanh độc đáo. Nguồn nhân lực có kỹ năng, được đào tạo bài bản, có khả năng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh được chú trọng phát triển, tạo tiềm lực phát triển kinh tế hiện đại trên nền tảng khoa học - công nghệ. Hệ thống hạ tầng quốc gia được tập trung nguồn lực xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Trong đầu thế kỷ 21, bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội trên bình diện quốc tế đã có nhiều thay đổi, biến động nhanh, khó dự báo. Một hệ thống giải pháp có tính khuôn mẫu và cứng nhắc sẽ khó lòng đạt hiệu quả mong muốn. Trong quá trình tự kiểm chứng những chính sách và cuộc sống, đối chiếu lý luận và thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã và đang rút ra những bài học sâu sắc cho công tác điều hành chính sách vĩ mô, chủ động và vững vàng bước vào thập kỷ mới, giai đoạn phát triển mới.