Điều đọng lại sau một lời xin lỗi

Những ồn ào xung quanh vụ việc giáo viên Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) có hành vi gian lận trong quá trình hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi Genius Olympiad tạm khép lại khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Thông tin từ Trường THPT Gia Định cho biết, hội đồng kỷ luật trường này đang tiến hành quy trình kỷ luật viên chức theo đúng quy định. Trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn cựu học sinh Trường THPT Gia Định, thầy giáo N.M.T - giáo viên liên quan vụ việc, đã chính thức gửi lời xin lỗi gia đình 2 học sinh, hội đồng sư phạm Trường THPT Gia Định và Sở GD-ĐT TPHCM sau nhiều ngày giữ thái độ im lặng.

Tuy nhiên, lời xin lỗi chưa thể hoàn toàn xoa dịu dư luận bởi lý do mà giáo viên này đưa ra để biện minh cho hành động khó chấp nhận của mình là do “chưa hiểu quy định cuộc thi”. Điều này đi ngược lại nội dung những tin nhắn được công khai trước đó giữa giáo viên và gia đình học sinh. Người làm sai chắc chắn phải chịu xử phạt, song thái độ vòng vo, không dám nhận lỗi của thầy giáo khiến hình ảnh người thầy trong lòng các thế hệ học sinh Trường THPT Gia Định bị suy giảm. Đáng nói, khi vụ việc mới được phanh phui, người đứng đầu đơn vị cũng thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm khi cho rằng giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi với tư cách cá nhân, không phải với danh nghĩa Trường THPT Gia Định dù một trong hai học sinh tham gia là học sinh của trường. Trên mạng xã hội, nhiều thế hệ cựu học sinh Trường THPT Gia Định bày tỏ sự tiếc nuối và thất vọng, danh tiếng của ngôi trường có bề dày thành tích hàng chục năm bị ảnh hưởng. Nhìn xa hơn, truyền thông quốc tế chắc chắn còn nhắc đến vụ việc này. Trong các cuộc thi, sân chơi quốc tế tới đây, dù học sinh Việt Nam tham gia với tư cách cá nhân hay đại diện “màu cờ sắc áo” quốc gia đi thi sẽ khó tránh cái nhìn dè chừng của bạn bè quốc tế.

Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của hiệu trưởng Trường THPT Gia Định. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ. Bởi trước đó, ngành giáo dục từng xảy ra nhiều vụ việc đáng buồn như phó hiệu trưởng, giáo viên ngang nhiên sửa điểm cho học sinh; nhiều đề tài tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có dấu hiệu can thiệp của người hướng dẫn… Đã đến lúc ngành giáo dục nói riêng, xã hội nói chung đánh giá nghiêm túc về đạo đức và trách nhiệm của người thầy. Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, sự trung thực cần được đề cao qua nhiều hình thức như tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, kiên quyết loại bỏ ra khỏi ngành những cá nhân nhiều lần vi phạm để trong sạch hóa môi trường giáo dục.

Tin cùng chuyên mục